Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung - Nhật lại căng vì ADIZ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai ngày sau khi Trung Quốc thành lập Vùng nhận diện phòng không" (ADIZ), Nhật Bản và Trung Quốc hôm 25/11 đã đồng loạt triệu đại sứ của nhau tới để phản đối về việc lập ADIZ chồng lấn trên vùng trời có các hòn đảo mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Hoa Đông.

Trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki cho biết, đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Nhật là Cheng Yonghua tới để phản đối về hành động mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói là "nguy hiểm". Trung Quốc cũng lập tức có hành động đáp trả tương tự để bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ liên quan tới những tuyên bố thổi phồng bất hợp lý của Nhật Bản về việc Trung Quốc lập ADIZ. Những tranh cãi còn lan cả từ chính trường và tạo nên một "cơn bão" trong giới truyền thông hai nước với các bài viết dài nhằm đả phá nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung - Nhật làm "căng" với nhau. Căng thẳng giữa hai nước về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tăng cao trong gần 3 năm qua. Nếu như thời gian đầu, căng thẳng chỉ liên quan đến hải quân thì trong giai đoạn 2012 - 2013, căng thẳng lan sang không quân khi cả 2 triển khai các máy bay chiến đấu vào vùng trời phía trên quần đảo tranh chấp. Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực này đã khiến câu chuyện tranh giành ảnh hưởng của không quân, hải quân Nhật - Trung tại khu vực trở nên phức tạp hơn. Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel về việc theo Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, nếu khu vực trên Biển Hoa Đông do Nhật kiểm soát bị tấn công, Washington sẽ lập tức bảo vệ đồng minh khiến quan hệ Mỹ - Trung bị sứt mẻ nghiêm trọng. Không những thế, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á và dự định chuyển hầu hết tàu chiến Mỹ tới châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020 càng làm Bắc Kinh thấy lý do mình thiết lập ADIZ là cần thiết.

Trong khi đó, Ủy ban đặc biệt về an ninh quốc gia thuộc Thượng viện thông qua dự luật của Chính phủ Nhật Bản về việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) theo mô hình của Mỹ đã được thông qua hôm 25/11 và dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 27/11. Động thái này cho thấy, Nhật Bản đang quyết tâm trao thêm nhiều quyền hơn cho Văn phòng Thủ tướng để xử lý hiệu quả các vấn đề ngoại giao và quốc phòng.

Những diễn biến gia tăng về mức độ nguy hiểm trên cho thấy, còn quá sớm để biết được tranh cãi, bất đồng giữa Trung - Nhật về ADIZ đi đến đâu nhưng có thể khẳng định một điều nó sẽ tiếp tục gia tăng hố sâu ngăn cách giữa hai cường quốc và đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

 
ADIZ là vùng không phận đặc biệt có kích thước xác định, trong đó máy bay phải tuân theo các phương thức báo cáo và nhận dạng đặc biệt của nước chủ quản. Vì thế, ADIZ có vai trò như vành đai phòng thủ được thành lập bên ngoài không phận của một nước để ngăn chặn máy bay khả nghi xâm nhập.