Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc có lý do để lo lắng khi Mỹ liên tiếp trừng phạt Iran

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sức ép từ Mỹ lên Iran theo một cách nào đó có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc.

Chính quyền Trump đã từ bỏ những nỗ lực làm ấm quan hệ của Mỹ dưới thời Obama với cả Trung Quốc và Iran, thay vào đó là áp lực và đối đầu. Điều này đã đẩy Bắc Kinh và Tehran xích lại, khiến mối quan hệ của họ trở thành mục tiêu chiến tranh thương mại cho Nhà Trắng.

Mỹ đã siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran trong năm qua, và sẽ tiếp tục nếu Tổng thống Donald Trump chuyển từ đe dọa quân sự sang chiến tranh kinh tế toàn diện. Với việc Trung Quốc có những giao dịch kinh doanh quan trọng với Iran, rủi ro sẽ gia tăng giữa hai nền kinh tế và cường quốc quân sự lớn nhất thế giới.

 Ảnh minh họa. 

Mỹ trừng phạt Iran, Trung Quốc lo lắng?

Chuyên gia Peng Nian, từ Viện nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ nhận định: “Bắc Kinh rất buồn với việc Mỹ rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran - Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA- được coi là kết quả thành công của hòa giải với Tehran. Căng thẳng trong tương lai giữa Mỹ và Iran chẳng có lợi gì cho Trung Quốc”, ông nói.

"Lợi ích của Trung Quốc ở Trung Đông, như việc thực hiện Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường ở Trung Đông và hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Iran, sẽ bị hủy hoại nếu tình hình an ninh xấu đi", ông Peng Nian nói.

Chính sách của Mỹ đã có những tác động nghịch lý đối với quan hệ Trung Quốc-Iran, theo Mohsen Shariatinia, GS về quan hệ quốc tế tại Đại học Shahid Beheshti tại Tehran: "Một mặt, áp lực từ Mỹ hạn chế Iran và Trung Quốc hợp tác kinh tế. Nhưng mặt khác, những áp lực này lại khuyến khích hai bên cùng chung phản đối chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ”.

Đối với đội ngũ của ông Tập, hiện ưu tiên hàng đầu là giải quyết các bất đồng thương mại với Mỹ, theo Willy Wo-Lop Lam, chuyên gia tại Đại học Trung Quốc của Hong Kong, chia sẻ với Nikkei Asian Review.

Nhưng căng thẳng giữa Washington và Tehran cũng đáng quan ngại, vì Iran hiện đang cung cấp khoảng 10% lượng dầu thô nhập khẩu cho Trung Quốc.

“Bắc Kinh vẫn tin rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ được nối lại”, ông Lam nói. "Tuy nhiên, trước những ưu thế Washington sở hữu trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, chính quyền ông Tập hiện không có khả năng lớn tiếng mâu thuẫn với lập trường của Mỹ."

Bắc Kinh có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây dịu giọng với Iran. Bởi nếu Mỹ khởi xướng một cuộc chiến với đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc ở Trung Đông (sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) sẽ rất có hại có Bắc Kinh. Công dân Trung Quốc tại đây sẽ phải di tản, trong khi các dự án đầu tư của Bắc Kinh cũng bị đe dọa.

Trung Quốc và lời mời gọi "xích lại" với Iran

Vào giữa tháng 5, Peter Navarro cố vấn thương mại của Trump đồng thời là một nhà “diều hâu” anti Trung Quốc  - tác giả cuốn sách "Cái chết của Trung Quốc", viết trên tờ Financial Times phân tích mối liên quan giữa các công ty Trung Quốc với ngành công nghiệp kim loại Iran, kêu gọi "không khoan nhượng" đối với các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.

Điều này cho thấy việc bắt giữ CFO Mạnh Vãn Chu của Huawei còn vượt qua phạm vi một phát súng khai màn cuộc chiến công nghệ; mà còn khởi xướng mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại: Đó là trừng phạt cả Trung Quốc và Iran.

"Như đã được minh họa trong trường hợp của Huawei, có vẻ như Bắc Kinh sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ công nghệ cho Tehran, trong lĩnh vực CNTT và các lĩnh vực (quân sự-dân sự) có tác dụng kép khác", ông Lam nói. "Cũng có khả năng Trung Quốc sẽ giúp Iran phá vỡ các khía cạnh trong các lệnh trừng phạt do Liên Hợp quốc áp đặt, bao gồm có được hàng hóa phương Tây bị cấm vận và có quyền truy cập vào hệ thống tài chính quốc tế."

Mỹ xao lãng đối thủ lớn nhất?

Mặc dù cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng với Trung Quốc và siết chặt trừng phạt đối với Iran có thể đạt được một số mục tiêu, giới chức Washington cũng lo ngại rằng mối bận tâm với Tehran có thể khiến Mỹ xao nhãng đối thủ chiến lược lớn nhất: Trung Quốc.

Elbridge Colby, giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ cho rằng, từ quan điểm của Washington, những lo ngại về Iran là hợp lý, nhưng Trung Quốc là một thách thức lớn hơn nhiều.

"Iran là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, nhưng Trung Quốc là thách thức lớn hơn nhiều đối với lợi ích của Mỹ trên thế giới", Colby nói. "Mỹ phải xử lý thách thức Iran theo cách kinh tế và bền vững hơn, đồng thời tập trung nỗ lực toàn diện hướng tới Trung Quốc và châu Á."