Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cho hay, nước này đang chuẩn bị mua các tài sản châu Âu vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ đang xấu đi, khiến cho tài sản của các nước trong khu vực trở thành miếng mồi ngon cho các DN Trung Quốc có ví tiền "rủng rỉnh". Phát biểu trên tờ Financial Times (Anh) cuối tuần qua, Lou Jiwei, người đứng đầu công ty đầu tư China Investment Corp (CIC) trị giá 400 tỷ USD cho hay, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới này đang rất hứng thú đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Tây Âu.
Đầu tư nước ngoài của các DN nhà nước của Trung Quốc hiện chủ yếu tập trung vào các nguồn lực giúp nước này đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 - 10%. Bất chấp những cơ hội khá hấp dẫn mà châu Âu có thể mang lại, các DN Trung Quốc hiện đáp trả khá thận trọng trước lời mời gọi vốn đầu tư của các nền kinh tế Eurozone. Bản thân Trung Quốc hiện đã nắm giữ khoảng 600 tỷ Euro (798 tỷ USD) nợ của Eurozone, một phần không nhỏ trong kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ trị giá 3.200 tỷ USD của mình.
CIC cho biết, trọng tâm chính của công ty trong chiến lược đầu tư tại châu Âu sẽ là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; đây là lĩnh vực được chính phủ các nước trong khu vực dành nhiều ưu tiên, như giảm thuế hay các khoản cho vay ngân hàng lãi suất ưu đãi nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, CIC tỏ ra thận trọng với việc đầu tư vào Tây Ban Nha, nơi lãi suất tăng vọt trước nỗi lo về sự lây lan của khủng hoảng nợ châu Âu.
Nợ công tiếp tục gõ cửa
Trong khi đó, tình hình ở châu Âu đang có đà xấu đi, khi nợ công đang "gõ cửa" thêm một số nước khác. Báo chí Pháp đã liên tục gióng lên các hồi chuông cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai Liên minh châu Âu (EU) với tiêu đề: "Sau Hy Lạp và Italia, liệu có đến Pháp?", đồng thời báo động nợ công của Pháp đã chạm ngưỡng 1.700 tỷ Euro, chỉ thấp hơn một chút so với 1.900 tỷ Euro của Italia. Nhưng tình hình nợ công của Pháp có phần còn rủi ro hơn bởi Chính phủ Italia phần lớn mắc nợ các nhà đầu tư trong nước, trong khi đó Pháp lại chủ yếu vay nợ nước ngoài. Vì vậy, Pháp rất dễ tổn thương một khi thị trường tài chính quốc tế có biến động mạnh.
Thực ra, không riêng Pháp mà nhiều thành viên Eurozone đều phải giải quyết chung một bài toán: hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vẫn chưa được hoàn toàn khắc phục; tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn èo uột; châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng đang đau đầu về khủng hoảng nợ công của nhiều thành viên.
Theo chuyên gia kinh tế Jacques Attali, điều quan trọng nhất là bất kỳ một nước nào khi đi vay cũng phải trấn an các nhà đầu tư. Đối với Pháp, phải trấn an được các chủ nợ đang nắm trong tay một khoản tiền tương đương với 85% GDP. Nhưng cho tới nay họ nhận thấy Pháp chưa thực sự trấn an được giới đầu tư về nỗ lực giải quyết nợ công hay thâm hụt ngân sách nhà nước.