Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc “hù dọa” các nước “đừng đùa với lửa” ở Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một bài báo đăng trên tờ Daily Telegraph (Anh) về Biển Đông, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã thúc giục Philippines trở lại đàm phán và ngang ngược kêu gọi các nước ngoài khu vực “đừng đùa với lửa”.

Trong bài báo ký tên mình, ông Lưu Hiểu Minh đã đề cập đến Biển Đông là một “vấn đề quốc tế nghiêm trọng”.

Ngang ngược phản bác lại kêu gọi của nhiều nước rằng, Trung Quốc nên chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực PCA của Liên Hợp quốc (LHQ) tại The Hague (Hà Lan), Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã vô lý “tố ngược”, Philippines mới là bên đơn phương bắt đầu quá trình này nhằm chiếm đóng các đảo đá trong khu vực.
Trung Quốc “hù dọa” các nước “đừng đùa với lửa” ở Biển Đông - Ảnh 1
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh.
Cũng trong bài xã luận này, ông Lưu Hiểu Minh còn “đổi trắng thay đen”, cho rằng, Trung Quốc đã phản ứng với thái độ tự kiềm chế tối đa, cầu thị với các cuộc đàm phán và tham vấn, bất chấp thực tế, Bắc Kinh đã liên tiếp có các hoạt động xây dựng, cải tạo trái phép các đảo đá và mở rộng quy mô quân sự chưa từng có.
Bên cạnh đó, quan chức ngoại giao của Trung Quốc tiếp tục “bôi xấu” hành động pháp lý của Philippines, vô lý cáo buộc Manila nhân danh pháp luật để chiếm đảo đá của Trung Quốc.

Không chỉ bác thẩm quyền của tòa PCA, ông Lưu Hiểu Minh còn viết một cách vô trách nhiệm và bằng cớ rằng, việc “giật dây” đằng sau vụ kiện là hiển nhiên. Đề cập đến “một nước bên ngoài khu vực đang đẩy nhanh chiến lược tái cân bằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ám chỉ Mỹ, đứng đằng sau “giật dây” vụ kiện còn Philippines chỉ “làm theo kịch bản”.

Bắc Kinh đang vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực đối với các tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông. Cuối tháng này, tòa PCA sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines về các tuyên bố chủ quyền này.  Do vậy, thời gian gần đây, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng thuyết phục Manila chuyển hướng sang đàm phán song phương thay vì đa phương.