Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc: Nhiều tỷ phú đang 'tiêu tiền như rác'

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hurun Report có trụ sở tại Thượng Hải mới đây đã công bố danh sách 1.000 người giàu nhất Trung Quốc. Rất nhiều người trong số họ "phất" lên nhờ bất động sản và chứng khoán.

KTĐT - Hurun Report có trụ sở tại Thượng Hải mới đây đã công bố danh sách 1.000 người giàu nhất Trung Quốc. Rất nhiều người trong số họ "phất" lên nhờ bất động sản và chứng khoán.

Với các tỷ phú ở Trung Quốc, tiền có vẻ chẳng là vấn đề gì lớn. Họ đến các showroom ôtô siêu sang và chọn mua những chiếc xe có giá 7-8 triệu nhân dân tệ (khoảng 1 triệu USD) chỉ trong nửa giờ và trả tiền ngay lập tức.

Trong khi cả thế giới vẫn tiếp tục phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế, thì tại Trung Quốc, nhiều tỷ phú đang tiêu xài rất thoải mái, thỏa sức mua những hàng hóa sang trọng nhất mà không cần nghĩ ngợi gì.

Hurun Report có trụ sở tại Thượng Hải mới đây đã công bố danh sách 1.000 người giàu nhất Trung Quốc. Rất nhiều người trong số họ "phất" lên nhờ bất động sản và chứng khoán. Và 130 trong số đó là các tỷ phú USD. Tính đến 15/9 năm nay, tổng tài sản của 1.000 người này khoảng 571 tỷ USD, nhiều hơn GDP của Bỉ hay Indonesia.

“Người giàu ở Trung Quốc đang tăng lên với tốc độ chóng mặt”, Rupert Hoogewerf, người sáng lập ra Hurun Report, nói rằng Trung Quốc giờ đây được biết đến là nơi có nhiều tỷ phú USD nhất, chỉ sau có Mỹ.

Khu phố Jinbao tại thủ đô Bắc Kinh có thể coi là địa điểm không thể bỏ qua của những tỷ phú tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Trên con phố chỉ dài khoảng 800 m, giờ đây có vô số các showroom, cửa hàng lớn của những hãng nổi tiếng thế giới như Rolls-Royce, Bugatti, Lamborghini, Gucci, Cartier, Hong Kong Jockey Club và khách sạn 5 sao sang trọng.

“Khách hàng của chúng tôi 100% là người Trung Quốc và họ đều rất giàu", Wilson Ho, Giám đốc điều hành của Lamborghini, vừa chỉ chiếc xe Murcielago trắng có vận tốc 325 km/h, vừa nói.

Ho, trưởng đại diện của hai hãng Bugatti và Rolls-Royce tại Bắc Kinh, cho biết, các khách hàng của ông đều là những “doanh nhân thành đạt đến từ các công ty kinh doanh bất động sản, giải trí, tài chính, khai khoáng và sản xuất thép. Họ đều còn rất trẻ và đa phần chưa đầy 30 tuổi. Với một số người ở đây, tiền không là vấn đề gì cả. Họ đến và mua xe ôtô chỉ trong một giờ và trả tiền đầy đủ ngay lập tức. Họ luôn nói chuyện về những chiếc xe có giá 7-8 triệu nhân dân tệ (khoảng gần 1 triệu USD) một cách thản nhiên".

Theo tờ The Daily Star, Bắc Kinh là thị trường lớn thứ ba thế giới của Rolls-Royce, sau Dubai và Abu Dhabi. 52 chiếc Phantoms đã được bán ra ở đây năm 2008, trung bình mỗi tuần có một chiếc, với giá trung bình khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1-1,5 triệu USD), tùy thuộc vào các model.

Ho cũng nói thêm rằng những người giàu ở Trung Quốc hầu hết là những người rất mê xe hơi, nhu cầu mua xe hơi hạng sang của họ rất lớn. Một số người có thể sở hữu tới khoảng 10 chiếc trong garage nhà mình. "Với những người giàu, đây đơn thuần chỉ là 'tiền dắt túi' thôi. Họ là tỷ phú mà".

Tương tự, trong những cửa hàng lớn khác, khách hàng Trung Quốc cũng say sưa với những sản phẩm của thương hiệu lớn đến từ Pháp - Louis Vuitton. Kể từ đầu năm, thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới này, cứ một tháng lại mở một cửa hàng tại Trung Quốc và họ gọi đó là điều chưa từng có, là ngoại lệ trong chiến lược phát triển của mình. Họ đã gọi Trung Quốc là "gã khổng lồ tại châu Á", và trở thành nơi tiêu thụ hàng hiệu nhiều thứ hai thế giới, sau Nhật Bản.

Còn ở Cartier, một nữ nhân viên bán hàng trong trang phục lịch sự, đeo găng tay trắng, đang sắp xếp lại những sản phẩm trong quầy hàng của mình. Một chiếc đồng hồ gắn kim cương ở đây có giá bày bán 185.000 USD.

“Công việc kinh doanh ở Trung Quốc của chúng tôi rất tốt. Khách hàng của chúng tôi đều là những người có tiền. Rất nhiều người mua mà không bao giờ nhìn giá”, người quản lý cửa hàng Cartier, Bonnie Bao, cho biết. Theo thông tin từ văn phòng của hãng đặt tại Hong Kong, Cartier đã mở 11 cửa hàng ở Trung Quốc năm ngoái và sẽ có thêm 8 cửa hàng nữa trong thời gian tới.

Ở một cửa hàng thời trang lớn khác, nữ bán hàng cho biết, 99% khách hàng tới đây đều là người Trung Quốc. “Chúng tôi thực sự không nghĩ rằng khách hàng của mình lại đang gặp bất kỳ khó khăn nào trong thời buổi khủng hoảng kinh tế. Thậm chí, ngày càng nhiều người Trung Quốc mua những mặt hàng nổi tiếng toàn cầu tại chính đất nước của họ".

Còn tại một hộp đêm, có thể thấy khoảng 70% số khách là người Trung Quốc. Giá một chai cognac loại "xịn" ở đây có thể lên tới 5.400 USD, loại 1995 Chateau-Lafite có giá 3.650 USD và một đĩa gỏi sứa tươi không dưới 700 USD.