Một quan chức hàng đầu của Trung Quốc cho biết, nước này cần tăng ngân sách quân sự để đáp ứng “những thách thức an ninh phức tạp”, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Mỹ gia tăng.
Wang Chao, phát ngôn viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc cho biết: “Việc tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết để đáp ứng những thách thức an ninh phức tạp và để Trung Quốc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một quốc gia lớn".
Tuyên bố được đưa ra cùng thời điểm diễn ra Kỳ họp lưỡng hội. Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), hay còn gọi là Chính hiệp khai mạc ngày 4/3. Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), còn gọi là Nhân đại, diễn hôm nay 5/3. Đây được coi là hai sự kiện chính trị trọng đại của Trung Quốc trong năm 2023.
Đại hội NPC khai mạc hôm nay sẽ chú trọng vào nỗ lực phục hồi kinh tế và kiện toàn bộ máy nhà nước sau Đại hội 20 diễn ra vào tháng 10/2022.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ về công nghệ và cuộc chiến ở Ukraine, cũng như yêu sách của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông.
Ông Wang không đưa ra bất kỳ dự báo nào về chi tiêu quân sự, nhưng lưu ý rằng chi tiêu như một phần của tổng sản phẩm quốc nội về cơ bản được giữ ổn định trong nhiều năm và mức tăng là “thích hợp và hợp lý”.
Ngân sách tài chính tổng thể của quốc gia, bao gồm cả chi tiêu quân sự, cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm nay sẽ được công bố trong hôm nay (5/3).
Chi tiêu cho lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân, đã tăng ít nhất 6,6% mỗi năm trong ba thập kỷ qua, theo kịp hoặc thường vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế, mặc dù con số chi tiêu chung vẫn vượt xa chi ngân sách quốc phòng của Mỹ.
“Tương lai của Trung Quốc gắn liền với tương lai của thế giới. Việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, thay vào đó, là sức mạnh tích cực để đảm bảo ổn định khu vực và hòa bình thế giới”, ông Wang nói thêm.
Trong cuộc họp đầu tiên kể từ khi chính sách không khoan nhượng với Covid kết thúc, hội nghị NPC dự kiến bàn thảo kế hoạch củng cố nền kinh tế, cải tổ đảng cầm quyền và thể chế chính phủ, đồng thời bổ nhiệm quan chức mới vào các chức vụ chính phủ — bao gồm cả thủ tướng, phó thủ tướng, và các vị trí lãnh đạo kinh tế và tài chính khác.
Một trong những trọng tâm sẽ là mục tiêu tăng trưởng trên 5% cho nền kinh tế trị giá 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Ngân sách cũng sẽ được phê duyệt cùng với kỳ vọng chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế lớn.
Năm ngoái, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3% - mức thấp thứ hai kể từ những năm 1970 và thấp hơn mục tiêu chính thức 5,5% - do chính sách zero-Covid kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như lĩnh vực bất động sản.
Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố vào đầu tuần rằng Đảng sẽ đưa ra các kế hoạch “cải cách cơ cấu sâu rộng” trong lĩnh vực tài chính và kiểm soát nhiều hơn đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đây được coi là một số lĩnh vực chiến lược đối với Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ có động thái kiềm chế Bắc Kinh tiếp cận chip máy tính tiên tiến và các sản phẩm công nghệ cao khác.
Mặc dù trọng tâm của NPC chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước, nhưng cũng có thể phát một số tín hiệu thay đổi về chính sách đối ngoại. Quan hệ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tiếp tục xuống dốc, gần đây nhất là vụ khinh khí cầu "đi lạc" của Trung Quốc cũng như cáo buộc của Washington rằng Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga.