Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc sẽ cư xử “an toàn” trong hội nghị với ASEAN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo học giả nước ngoài, trong khi vấn đề Biển Đông vẫn còn đang “treo lơ lửng”, Bắc Kinh sẽ không muốn Hội nghị thượng đỉnh lần này gây thêm rắc rối, ảnh hưởng đến vị thế ngoại giao của Trung Quốc.

Cố gắng xoa dịu bất đồng

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28, 29 và các hội nghị liên quan đã được khai mạc tại Lào. Các hội nghị được xem là cơ hội để thảo luận các vấn đề trong khối trong nửa đầu năm và vấn đề hợp tác rộng hơn với các đối tác đối thoại.

Sự kiện kéo dài 4 ngày kết hợp giữa các cuộc gặp cấp cao cả chính thức và không chính thức và một trong những sự kiện nổi bật là Hội nghị cấp cao ASEAN  - Trung Quốc hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Campuchia Hensen trong Hội nghị Á - Âu tại Mông Cổ tháng 7/2016.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Campuchia Hensen trong Hội nghị Á - Âu tại Mông Cổ tháng 7/2016.
Thông thường, các hội nghị thượng đỉnh sẽ là cơ hội cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng ngoại giao lên một tầm mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) ra tuyên bố bác bỏ yêu sách phi lý của nước này ở Biển Đông và thái độ bất tuân luật pháp của Trung Quốc có khả năng khiến kế hoạch này phá sản.
Sự “mất lòng” giữa ASEAN và Trung Quốc đã thể hiện ở Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh vào tháng 6, khi Trung Quốc thất bại trong việc ngăn cản ASEAN thể hiện thái độ về vấn đề Biển Đông. Vì vậy, theo nhà nghiên cứu Tang Siew Mun, Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, khi vấn đề Biển Đông vẫn còn đang “treo lơ lửng”, Bắc Kinh sẽ không muốn Hội nghị thượng đỉnh lần này gây rắc rối.

Thứ nhất, Trung Quốc đã hạ nhiệt vấn đề bằng cách nhất trí thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào giữa năm 2017. Động thái này nhằm xoa dịu sự phản đối với thái độ hiếu chiến của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Thứ hai, các nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục có những gợi ý từ Manila trong việc giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cả ASEAN và Trung Quốc đều nhận thấy rằng, phạm vi quan hệ song phương của 2 bên lớn hơn so với các tranh chấp tại Biển Đông, và nếu vấn đề này làm lu mờ quan hệ 2 bên thì sự thịnh vượng của cả ASEAN và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng.

Những yếu tố này cho thấy, một hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc sẽ diễn ra “an toàn”.

Tuy nhiên, TS Tang Siew Mun cũng lưu ý, ASEAN không nên bỏ lỡ cơ hội truyền đạt quan điểm thẳng thắn của mình về mối quan tâm của khu vực đến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Trung Quốc sẽ thiệt hại nếu cố gắng chia rẽ ASEAN

Nhận định về động thái của Trung Quốc, ông Tang Siew Mun cho rằng, tranh chấp ở Biển Đông đã vượt qua những tuyên bố chủ quyền trên biển. Đây là các quan ngại của khu vực trên nhiều cấp độ, trong đó có tự do hàng hải và hàng không, tính pháp quyền và giữ gìn sự cam kết của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác về giải quyết các xung đột một cách hòa bình mà các nước ASEAN, Trung Quốc và 21 quốc gia khác đã ký kết.

Do vậy, nhiều nhà nghiên cứu và lãnh đạo các nước đều khẳng định, ASEAN cần duy trì vị trí quan trọng về vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, nếu ASEAN không thể đối phó với một vấn đề ảnh hưởng đến các thành viên trong khối, sẽ không bên nào nhìn nhận nghiêm túc về ASEAN.

Tuần trước, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang cũng phát biểu tại Singapore rằng, sẽ thiết thực nếu ASEAN thiết lập cơ chế bổ sung để cho phép một mức độ linh hoạt để quản lý tốt các mối đe dọa an ninh mới.

Về trung và dài hạn, chính sách ngoại giao can thiệp sâu vào việc đưa ra ý kiến mà Bắc Kinh đang áp dụng sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến chính nước này. Theo nhà nghiên cứu Singapore, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ mất đi một phương tiện chến lược để đối thoại với ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiệu quả hơn.

Trái lại, các nước ASEAN vẫn sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận ở một diễn đàn khác. Xét về mặt chiến lược, hành động của Bắc Kinh đang đẩy một số quốc gia ASEAN đến gần Washington hơn. Do vậy, TS Tang Siew Mun khẳng định, một ASEAN đoàn kết mạnh mẽ sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn, đảm bảo đây là khu vực mở cho mọi quốc gia.