Vàng thế giới biến động mạnh bởi căng thẳng chính trị và thương mại
Tuần qua, giá vàng thế giới đã chịu ảnh hưởng mạnh của căng thẳng chính trị và thương mại ở nhiều khu vực.
Trong đó, đầu tuần nhà đầu tư còn chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Mỹ dừng đánh thuế lên hàng hóa của Mexico; Trung Quốc công bố thặng dư thương mại tăng mạnh trong tháng 5, do đó vàng đã giảm mạnh sau nhiều phiên tăng trước đó. Vàng giảm từ mốc 1.342 USD cuối tuần trước, có lúc vàng thế giới đã xuống đến mốc 1.325 USD/oz.
Nhưng vào giữa tuần, giá vàng đã đảo chiều bật tăng mạnh, chỉ có 2 phiên đã vượt mốc chốt của tuần trước. Vào chiều hôm qua 14/6 (giờ Hà Nội), giá vàng giao kỳ hạn tháng 8 tại thị trường Mỹ đã leo lên mốc 1.359 USD/oz và vàng giao ngay lên mức 1.355 USD/oz đây là mốc cao nhất trong năm 2019.
Tâm điểm của thị trường vào nhưng phiên cuối tuần đó là, tàu chở dầu bị tấn công tại vịnh OMAN; căng thẳng chính trị leo thang giữa Mỹ với một số nước trong khu vực Trung Đông; quan hệ Mỹ - Nga cũng vì thế xấu đi.
Giá vàng thế giới hôm qua tăng mạnh là do, cùng ngày14/6 Bộ Thương mại Trung Quốc bất ngờ thông báo tăng thuế chống bán phá giá đối với ống thép đúc nhập khẩu từ Mỹ và EU lên khoảng 57,9 – 147,8%. Trong đó thuế áp đối với Công ty Wyman-Gordon Forgings là 101% và các công ty còn lại là của Mỹ 147,8% được thực hiện ngay trong ngày 14/6. Đối với Tập đoàn Vallourec của EU bị áp thuế 57,9% và ống thép nhập khẩu các DN khác của EU vào Trung Quốc là 60,8%.
Chốt phiên, giá vàng thế giới đào chiều giảm về mốc 1.342 USD/oz. Mở cửa phiên sáng nay, vàng giao ngay giao dịch tại thị trường châu Á lúc 8 giờ 15 ở mức 1.241 USD/oz.
Tính chung, tuần qua giá vàng thế giới đi ngang so với chốt phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, trong tuần giá vàng thế giới đã biến động mạnh, tính từ mức thấp nhất, đến mức cao nhất tuần chênh lệch 34 USD/oz.
Vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới
Tuần qua, giá vàng trong nước cơ bản cũng biến động mạnh theo vàng thế giới. Đầu tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 37,05 – 37,35 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 36,05 – 37,37 triệu đồng/lượng. Có 3 phiên đầu tuần giá vàng trong nước đi ngược xu hướng thế giới, tăng nhẹ do sức cầu tăng. Nhà đầu tư chuyển dòng vốn từ chứng khoán tạm lưu trú sang vàng.
Tuy nhiên, 2 phiên 13 – 14/6, giá vàng SJC đã tăng mạnh theo xu hướng thế giới. Phiên ngày 14/6, khi giá vàng thế giới giao ngay tăng lên mốc 1.355 USD/oz thì chốt phiên vàng SJC trên thị trường tự do đứng ở mức 37,4-37,8 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa sáng cùng ngày. Chênh lệch mua – bán tăng lên mức 400.000 đồng/lượng.
Mở cửa phiên sáng nay (15/6), giá vàng SJC cũng đã hạ nhiệt theo giá vàng thế giới. Lúc 8 giờ 30 giá vàng SJC trên thị trường tự do tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 37,3 – 37,6 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 37,3 – 37,62 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm mạnh 100.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 200.000 đồng chiều bán so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua – bán giảm từ 400.000 xuống còn 300.000 đồng/lượng.
Sáng nay, các DN cũng giảm mạnh giá vàng miếng SJC so với chốt phiên trước. Cụ thể, Tập đoàn Doji niêm yết mua - bán ở quanh mức 37,44 – 37,59 triệu đồng/lượng, giảm 140.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 160.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán 150.000 đồng/lượng.
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở quanh mức 37,4 – 37,55 triệu đồng/lượng, giảm 170.000 đồng/lượng chiều mua và bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 150.000 đồng/lượng.
Sáng nay, vàng nhẫn được các DN giảm mạnh giá so với chốt phiên trước. Cùng thời điểm trên, vàng nhẫn phú quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết, mua - bán ở mức 37,25 – 37,65 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán 400.000 đồng/lượng.
Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam niêm yết giá vàng nhẫn VIETNAMGOLD mua - bán ở mức 37,3 – 37,7 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua bán là 400.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn tròn trơn rồng thăng long được công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết duy trì ở mức 37,34 - 37,79 triệu đồng/lượng, giảm 170.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán 450.000 đồng/lượng.
Tính chung trong tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 250.000 đồng/lượng. Trong DN các đơn vị đã tăng 300.000 – 340.000 đồng/lượng.
Nếu tính từ mức giá thấp nhất tuần, đến mức cao nhất tuần giá vàng SJC đã biến động giá từ 750.000 – 800.000 đồng/lượng. Vàng nhẫn cũng có biến động giá trong khoảng 650.000 – 700.000 đồng/lượng.
Nhận định của các chuyên gia, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc tiếp tục “nóng” trước thềm hội nghị G20 và cuộc họp của Fed. Trung Quốc có động thái mới về áp thuế lên thép của Mỹ và EU, điều này chứng tỏ Bắc Kinh muốn thể hiện quan điểm cứng rắc trong tiếp tục thỏa thuận TM với Mỹ.
Còn phía Mỹ cho biết: Hội nghị G20 nếu Trung Quốc và Mỹ có ngồi lại với nhau thì cũng chỉ là sẽ hướng về phía trước, chứ không có thỏa thuận nào. Sau Hội nghị thượng đỉnh G20, có thể Washington sẽ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD, bao gồm điện thoại, máy tính và hàng may mặc. Như vậy, tuần cuối tháng 6, giá vàng chưa thể giảm sâu cho đến khi Hội nghị G20 kết thúc. Nhà đầu tư cần xem xét những động thái giữa các bên trong Hội nghị G20 có nhún nhường nhau hay không.