Báo Kinh tế & Đô thị trích đăng bài viết của ông Stephen Waddington - Giám đốc hãng Ketchum và là Giáo sư thỉnh giảng chuyên ngành Quan hệ công chúng tại Đại học Newcastle về tiềm năng của thị trường công nghệ trực tuyến của Trung Quốc.
Tại các nước phát triển trên khắp châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ người dân sử dụng internet đã đạt đến 90%. Trong khi, tỷ lệ này tại Trung Quốc mới chỉ đạt 50% của 1,35 tỷ dân nên hoàn toàn có thể tin tưởng vào một sự phát triển thần kỳ của một người khổng lồ mới trên thị trường internet. Đây chính là cơ hội lớn cho các tập đoàn cung cấp thiết bị, hạ tầng, dịch vụ và ứng dụng internet.
Trên thực tế, Trung Quốc là quốc gia có lượng người tiêu dùng kết nối với internet nhiều hơn bất kỳ thị trường nào khác khi mỗi người sở hữu ít nhất 1 điện thoại di động thông minh. Đa số các thiết bị này đều dựa trên hệ điều hành Android của Google và được sản xuất bởi các doanh nghiệp công nghệ trong nước, trong khi nhu cầu đối với smartphone ngày càng tăng lên.
Xiaomi là một điển hình của một doanh nghiệp được hưởng lợi từ cơ hội này. Dù thành lập chưa được 5 năm nhưng đã nhanh chóng trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc và lớn thứ 3 thế giới với 60 triệu sản phẩm được bán ra hồi năm ngoái.
Dưới tác động của chính sách 1 con được thực hiện từ những năm 1980 như một phương tiện để kiềm chế tốc độ tăng trưởng dân số, Trung Quốc đã hình thành một thế hệ không có anh chị em và internet chính là phương thức kết nối với người thân, bạn bè, đồng nghiệp được ưa thích và phổ biến nhất. Đây cũng chính là lý do giúp WeChat – thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn Tencent đạt mức tăng trưởng thần kỳ. Chỉ sau 3 năm thành lập, WeChat đã thu hút được 600 triệu người dùng và trở thành ứng dụng mạng xã hội lớn thứ 5 thế giới sau Facebook, YouTube, QQ và WhatsApp.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lên tới 40%/năm của WeChat cũng đặt ra không ít vấn đề trong bối cảnh các nền tảng công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ. Điển hình như Weibo - mạng xã hội có hơn 157 triệu người sử dụng với chức năng cho phép đàm thoại 2 chiều nổi bật nhưng đã nhanh chóng bị vượt qua bởi QQ và WeChat. Hiện cơ hội đang nằm trong tay LinkedIn và Renren. Bất chấp việc gia nhập thị trường Trung Quốc chậm hơn các đối thủ, LinkedIn tỏ ra không ngoan hơn khi cố gắng tích hợp văn hóa địa phương vào các ứng dụng của mình. Trong khi Renren chủ yếu được sử dụng bởi các học sinh để kết nối với các sự kiện, diễn biến liên quan đến trường học.
Rõ ràng, không khó để nhận ra những cơ hội vàng từ thị trường internet của Trung Quốc nhưng làm thế nào để duy trì được sự hấp dẫn và không làm gián đoạn tốc độ tăng trưởng của thị trường lớn nhất toàn cầu này vẫn đòi hỏi sự nhạy bén của các doanh nghiệp địa phương và chiến lược không ngoan của các tập đoàn nước ngoài.