Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội: Giúp nông dân trồng bưởi Diễn cho chất lượng cao

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị trong canh tác cây trồng, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (Trung tâm) đã triển khai mô hình thực nghiệm các ứng dụng kỹ thuật tăng đậu quả trên cây bưởi Diễn tại huyện Chương Mỹ.

Sau một năm triển khai, mô hình đã khẳng định được hiệu quả thiết thực.
Đưa kỹ thuật vào canh tác

Hà Nội là một vùng cây ăn quả lớn của cả nước, với tổng diện tích 16.748ha. Trong đó diện tích trồng bưởi là 3.806ha tập trung chủ yếu tại các huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ... với tổng sản lượng đạt 42.823 tấn. Hiệu quả kinh tế từ trồng bưởi đạt từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp nhiều lần cây trồng khác. Tuy nhiên, sản lượng và thu nhập từ cây trồng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Hiện nay đa số nông dân vẫn canh tác theo truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vì vậy hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Một số vùng bưởi lớn thường xuyên mất mùa, chất lượng quả bưởi không đảm bảo. Để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả trong canh tác cây bưởi, năm 2017 Trung tâm đã tiến hành triển khai mô hình thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật tăng đậu quả trên cây bưởi Diễn tại huyện Chương Mỹ. Tổng diện tích tiến hành thực nghiệm là 2ha, với 3 hộ tham gia.

Ông Nguyễn Đức Thọ - thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, giới thiệu bưởi Diễn với khách hàng tại Hội thi.

Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm cho biết: Mục đích của việc triển khai mô hình thực nghiệm là nhằm tăng khả năng đậu quả và chất lượng quả bưởi Diễn, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Để mô hình triển khai hiệu quả, Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật xuống các hộ trực tiếp tập huấn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây bưởi Diễn.

Là một hộ tham gia mô hình, anh Nguyễn Hải Sơn, xứ Đồng Bưởi, xã Nam Phương Tiến cho biết: Ngay sau khi thu hoạch, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây bưởi. Từ đó, tôi có thêm những kiến thức bổ ích, chủ động chăm sóc, quản lý vườn bưởi theo từng giai đoạn sinh trưởng. Theo đó, ngay từ khi thu hoạch vụ trước người dân cần cắt tỉa, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Đến giai đoạn cây phân hóa mầm cần bón phân, phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm. Tiếp đến là giai đoạn phân hóa hoa, cần phun bổ sung phân bón lá, phun thuốc phòng trừ nấm bệnh, rệp hại hoa trước khi cây nở hoa. Để tăng khả năng đậu quả, các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn kỹ thuật thụ phấn chéo giữa giống bưởi chua và bưởi Diễn. Cùng với đó kết hợp với biện pháp rung cây vào mỗi sáng sớm hoặc chiều tối mát, đặc biệt sau khi mưa tạnh, tạo sự thông thoáng, tránh đọng nước, hạn chế nấm bệnh gây hại cho chùm hoa, quả non. Bên cạnh đó, để tăng chất lượng quả bưởi, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã làm thực nghiệm phân bón kali, từ đó xác định liều lượng phù hợp cho từng vùng.

Hiệu quả cao

Sau một năm triển khai, mô hình thực nghiệm đã khẳng định được hiệu quả cao. Cây bưởi trong mô hình có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, chủ yếu là chùm quả đơn, quả chắc, bóng, mã quả đẹp. Số quả trên cây từ 70 – 150 quả. Năng suất của 3 vườn thực nghiệm cao hơn so với những năm trước từ 5 – 7 lần, tăng từ 7 tấn lên thành 35 – 50 tấn/ha/năm. Thu nhập tăng từ 280 triệu đồng lên thành 655 triệu đồng/ha/năm. Chất lượng quả bưởi Diễn trong các mô hình đều nâng cao rõ rệt, độ brix trung bình từ 13 – 15%. Kết quả đó thể hiện rõ trong Hội thi bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và kết nối tiêu thụ nông sản an toàn huyện Chương Mỹ tổ chức ngày 16/12/2017. Cả 3 hộ tham gia mô hình thực nghiệm đều lọt vào chung kết và giành 3 giải cao nhất của cuộc thi này.

Là hộ giành được giải Nhì trong Hội thi, ông Nguyễn Đức Thọ - thị trấn Xuân Mai phấn khởi: "Gia đình tôi đã trồng cây bưởi Diễn hơn 10 năm nay, nhưng chưa có năm nào được mùa như năm nay. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong canh tác đã giúp cho sản lượng bưởi của gia đình tăng gấp 7 lần so với trước đây. Với tổng diện tích vườn 1ha gia đình tôi thu hoạch được 50.000 quả bưởi".

Từ thành công của mô hình thực nghiệm này, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình vào những năm tiếp theo.