Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường công cũng khó tuyển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong cuộc giao ban của thành phố về giáo dục đào tạo vừa qua, đa số lãnh đạo các quận, huyện đều mong muốn được quan tâm giải quyết khó khăn trong tuyển dụng giáo viên bậc mầm non.

KTĐT - Trong cuộc giao ban của thành phố về giáo dục đào tạo vừa qua, đa số lãnh đạo các quận, huyện đều mong muốn được quan tâm giải quyết khó khăn trong tuyển dụng giáo viên bậc mầm non. Không chỉ các trường mầm non mới, nhỏ, mà cả những trường đạt chuẩn quốc gia cũng không dễ "giữ chân" giáo viên trong điều kiện lương thấp, chế độ chính sách chưa ổn định…

  

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện toàn thành phố có 833 trường mầm non, trong đó có 667 trường công lập và 166 trường ngoài công lập với 339.230 trẻ và 19.544 giáo viên. Số cán bộ quản lý, giáo viên hiện còn thiếu 3.145 người, trong đó thiếu 247 cán bộ quản lý và 2.898 giáo viên.

 

Nói về thực trạng thiếu giáo viên ở các trường mầm non, ông Đàm Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai phản ánh, lãnh đạo quận đang đau đầu về nguồn tuyển giáo viên mầm non, tiểu học. Điều đáng nói là đây không phải những trường chất lượng thấp, giáo viên không muốn về làm việc, mà thực tế đây lại là trường chất lượng cao của quận, đạt chuẩn quốc gia.

 

Không chỉ tại quận Hoàng Mai, nhiều trường mầm non công lập tại Hà Nội cũng từng vất vả để "giữ chân" giáo viên, đặc biệt là giáo viên hợp đồng. Bà Cao Thị Bích Lan, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, mối lo của các trường trên địa bàn quận cũng chỉ là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở trường mầm non bán công chuyển sang công lập. Trong năm nay, quận đã phải ký hơn 10 trường hợp giáo viên xin chuyển sang trường tư thục. Sang đó, lương cao hơn, giáo viên cũng vẫn được hưởng các loại bảo hiểm như trường công lập, có khác chăng chỉ là có môi trường làm việc tốt. Bởi thế, nếu không sớm giải quyết ổn thỏa chế độ chính sách cho giáo viên, thì rõ ràng việc giáo viên tìm đến những nơi trả mức lương cao hơn là điều dễ hiểu.

 

Không chỉ thiếu giáo viên, theo bà Lã Thị Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì còn có sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ quản lý: "Hiện, huyện Thanh Trì có 62 biên chế, đã bổ nhiệm 53 trường hợp làm cán bộ quản lý, còn lại 9 trường hợp không đủ năng lực...". Một thực tế cũng đang tồn tại ở Hà Nội, hiện có 86 hiệu trưởng, hiệu phó đã được bổ nhiệm nhưng chưa vào biên chế. Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội thì cho biết: "Sở sẽ xem xét, bố trí đặc cách các đối tượng này không phải qua thi tuyển".

 

Đáp lại những yêu cầu của lãnh đạo các quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, sở dĩ vừa qua việc tuyển biên chế giáo viên mầm non cho các trường chuyển từ bán công sang công lập chưa triển khai được là vì còn chờ HĐND TP phê duyệt đề án. Nay đề án này đã được thành phố thông qua. Theo đó, hơn 26.000 giáo viên mầm non hợp đồng ở các trường này sẽ được hưởng các chế độ chính sách như nhân viên Nhà nước từ năm 2011. Phó Chủ tịch TP cũng yêu cầu: Chậm nhất là trước 10/1/2011, Sở Nội vụ trình UBND TP ký duyệt phân bổ chỉ tiêu cho các quận huyện, không chỉ 5.000 giáo viên biên chế mầm non, mà cả với 26.000 giáo viên hợp đồng được hưởng chế độ mọi mặt như giáo viên trong biên chế. Kèm theo đó là quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển chọn giáo viên mầm non theo quyết định phân bổ. UBND TP đã ủy quyền cho UBND các quận, huyện tự quyết định hình thức tuyển chọn: xét tuyển hay thi tuyển, căn cứ vào điều kiện tình hình thực tế của địa phương. Nếu địa phương chọn phương án xét tuyển thì cần triển khai trước Tết. Còn phương án thi tuyển sẽ tổ chức thi đồng loạt ở cả thành phố, chậm nhất vào tháng 7 đến tháng 8 có kết quả, để các trường ổn định nhân sự bước vào năm học 2011-2012.