Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường đại học xử lý gì khi tin giả “lộng hoành”?

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trước thời đại công nghệ 4.0, các trường đại học cần chú trọng nâng cao giáo dục nhận thức trước những thông tin giả mạo, sai lệch, giật gân.

Hôm nay (9/1), trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Công tác truyền thông giáo dục ở các trường đại học trong bối cảnh 4.0”. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia lĩnh vực truyền thông.
 Các khách mời tham gia Hội thảo khoa học quốc gia “Công tác truyền thông giáo dục ở các trường đại học trong bối cảnh 4.0"
Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân băn khoăn làm sao để chuyển tải các thông điệp, thông tin, hình ảnh tốt nhất, những kết quả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hiệu quả nhất và mang đậm dấu ấn nhất. Các trường đại học cần sẵn sẵng tiếp nhận thông tin chủ động nhất, xử lý thông tin sao cho hoàn thiện công tác quản trị đại học, đào tạo, giảng dạy, học tập, nghiên cứu.
“Coi truyền thông vừa là cơ hội, vừa là người bạn đồng hành giúp đại học làm tốt hơn hoạt động của mình, tiến dần hội nhập thế giới” - PGS.TS Bùi Đức Thọ nói.

TS Vũ Trọng Nghĩa - Trưởng phòng truyền thông, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trường cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên báo chí, truyền thông gắn kết với trường. Hỗ trợ nhà trường chuyển tải thông tin, thông điệp nhanh nhất, tốt nhất đến công chúng; Tăng cường đổi mới về nội dung và hình thức; Xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác truyền thông.

Để không là nạn nhân của tin giả

Hiện nay, tin giả đang là vấn nạn của báo chí, mạng xã hội. Về vấn đề này, nhà báo Ngô Văn Hải - Tổng biên tập Báo điện tử VTC News đã nêu ra cách nhận diện và xử lý nguồn tin giả với giáo dục đại học trong Kỷ nguyên thông tin số.

Nhà báo Ngô Văn Hải nhận thấy, Việt Nam và các nước trên thế giới lo ngại về tỷ lệ tin giả đang tràn lan như Brazil, Đức, Tây Ban Nha… vì bất kỳ ai cũng đều có thể là nạn nhân của tin giả.

Tin giả thường dựa vào các sự kiện thời sự để xuyên tạc đi, làm biến tướng câu chuyện chỉ để câu view và làm nhiễu loạn thông tin xã hội. Mức độ lan truyền thông tin giả rất nhanh, dai dẳng vì nó đánh trúng tâm lý thu hút của người đọc nên ngay cả người cảnh giác nhất cũng phải tin đó là thật.

Nhà báo Ngô Văn Hải lấy ví dụ về trường hợp của bà Võ Thị Thu Thủy - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khi bà Thủy từng là nạn nhân của tin giả làm sai lệch lời nói. Ông cũng chỉ ra những giải pháp giúp độc giả nhận diện được tin giả: Đó là độc giả cần kiểm tra đuôi link của trang web, đọc rõ thông tin giới thiệu trang tin do đơn vị nào vận hành web và người ta có nói rõ ràng đây chỉ là trang châm biếm hoặc cố tình đăng tin giả không.

Bên cạng đó, độc giả kiểm tra các câu trích dẫn, nhất là trích câu nói của người nổi tiếng, chính trị gia hoặc từ một đại diện của cơ quan chức năng như sĩ quan cảnh sát vào tìm kiếm để xác thực thông tin.

Ngoài ra, tin tức có nhiều chữ viết kỳ lạ, kiểu như xen vào bằng dấu chấm, ví dụ: X.â.m l.ư.ợ.c hoặc các link bài có đường dẫn đuôi là “.org” đều phải cảnh giác. Những title bài tin tức phi logic, ví dụ: Bộ Công an b.ắt Phó giám đốc công ty điện lực và 6 đồng phạm vì tăng gía điện vô t.ộ.i v.ạ.

Tổng Biên tập Ngô Văn Hải đề xuất mô hình chống tin giả bằng cách dùng hệ pháp luật truyền thống khuyến khích và giải pháp kỹ thuật để chống lại tin giả. Cùng với đó, chúng ta nên ban hành luật chuyên ngành để chống lại tin giả, coi trọng sự can dự của Nhà nước trong việc chống tin giả.