Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn cao
Hà Nội hiện có 2.792 trường với 63.000 nhóm lớp và 2.111.931 học sinh. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 26-KH/DUK ngày 14/9/2016 của Đảng ủy Khối về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Sở GD&ĐT Hà Nội đã hưởng ứng phát động trong toàn ngành và triển khai đến 100% cán bộ đảng viên, quần chúng trong các nhà trường, cũng như học sinh (HS) được thấm nhuần.
Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) đã thực hiện giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh để mang lại kết quả cao hơn. Ảnh: Thủy Trúc |
Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tính nêu gương của lãnh đạo tập trung vào việc quản trị nhà trường được thể hiện rõ. Các hiệu trưởng trong giai đoạn hiện nay đã làm thay đổi diện mạo của nhà trường về cơ sở vật chất và nâng chất lượng giáo dục. Nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn đi đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn và chất lượng giáo dục đại trà. Sau 10 năm hợp nhất, đến nay, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền của Hà Nội đã thu hẹp khoảng cách và chất lượng giáo dục đại trà ở các địa bàn vùng xa được nâng lên rõ rệt. Để đạt được kết quả này là nhờ có sự đầu tư của TP cho các nhà trường, sự chăm lo bồi dưỡng giáo viên để nâng trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.Không chỉ vậy, 5 năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng được củng cố và nâng cao chất lượng. 100 giáo viên ở các cấp học đang đứng lớp đều đạt chuẩn đào tạo và có tỷ lệ trên chuẩn rất cao. Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Hữu Trung thông tin: Bậc học mầm non có 80,93% số giáo viên đạt trên chuẩn, tiểu học là 95,2%, THCS 82,77%, THPT 36,05%. Các giáo viên không chỉ được bồi dưỡng ở trong nước mà còn được cử đi đào tạo ở nước ngoài để tiếp cận với phương pháp dạy học tiên tiến. Ngành GD&ĐT Hà Nội đã chủ động và mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Thể hiện ở, chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level được mở ra ở trường THPT Chu Văn An từ năm học 2017 - 2018, đến nay tiếp tục mở rộng tại 7 trường THCS, THPT công lập. Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đăng cai tổ chức các kỳ thi quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng công tác hội nhập như Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC), Kỳ thi quốc tế toán và Khoa học dành cho HS dưới 13 tuổi (IMSO).Trường học dạy chữ và dạy làm ngườiThực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành GD&ĐT Hà Nội có quan điểm giáo dục học sinh theo hướng tiếp cận năng lực, không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người. “Dạy HS cách làm người phải đạt được hai tiêu chí, các em có năng lực hội nhập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu nhưng vẫn phải hiểu và giữ được nét đẹp truyền thống của người Việt Nam có tấm lòng nhân ái, hiếu thảo với ông bà, lễ phép với cha mẹ, thầy cô, tôn trọng bạn bè. Tất cả những điều đó được thể hiện vào bài giảng, lồng ghép trong những giờ học của mỗi nhà trường... Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho HS được triển khai thực hiện nghiêm túc. Đến nay là năm học thứ 9 Hà Nội đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh” cho HS toàn TP bậc học phổ thông. Vừa qua, TP đã biên soạn xong bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh” cho HS mầm non để năm học 2021 - 2022 triển khai đại trà; tu chỉnh lại tài liệu này ở cấp học phổ thông cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Nhờ thực hiện các giải pháp, tỷ lệ HS Hà Nội xếp loại hạnh kiểm khá, tốt tăng lên hằng năm và giảm tối đa vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. HS Hà Nội có năng lực học tập tốt, năng động trong cuộc sống...” - ông Hoàng Hữu Trung nhấn mạnh. Có thể khẳng định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục là sự quan tâm của TP, ngành GD&ĐT Hà Nội và chính quyền địa phương trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến năm 2019, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia toàn TP nâng lên thành 71,6%, hoàn thành vượt mức so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP khóa XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020. Hà Nội hiện có 20 trường chất lượng cao được công nhận, tạo nền tảng phát triển mô hình trường tự chủ. Sau cuộc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngành GD&ĐT Hà Nội có bàn bạc, trao đổi, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai giai đoạn 2021 - 2025. “Chúng tôi sẽ lồng ghép 10 chương trình công tác khóa 17 nhiệm kỳ 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội vào những nhiệm vụ liên quan trực tiếp để phấn đấu GD&ĐT Thủ đô trong giai đoạn tới phải đạt kết quả cao hơn” - ông Hoàng Hữu Trung cho biết.