Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường mầm non trong các khu công nghiệp: Chưa đáp ứng nhu cầu

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/1, Bộ GD&ĐT đã làm việc với UBND TP Hà Nội trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục Mầm non (MN) và tình hình trường, lớp MN ở các KCN, KCX. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.

Xây khu công nghiệp, không tính đến trường

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, những năm gần đây, mỗi năm năm trẻ MN đến trường tăng khoảng 25.000 - 30.000 trẻ, trường công lập (CL) có sĩ số trẻ/lớp đông. Đặc biệt, các địa bàn có KCN, KCX dân số cơ học tăng nhanh, luôn biến động do công nhân làm việc chủ yếu theo hợp đồng ngắn hạn, công tác dự báo số trẻ đến trường/lớp MN khó chính xác.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Trung Đức

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Hà Nội hiện có 17 KCN, KCX, trong đó, có 9 KCN đang hoạt động. Hiện, các KCN trên địa bàn Hà Nội có khoảng 14,6 vạn lao động, trong đó, lao động nữ chiếm tới 70%, lao động ngoại tỉnh chiếm 60% và phần lớn đang ở độ tuổi sinh đẻ từ 18 – 25 tuổi. Tuy nhiên, mỗi xã chỉ có từ 1 - 2 trường MN CL, chỉ tiếp nhận được trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên… Trong khi đó, các KCN, KCX, chủ đầu tư không tính đến việc xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo để các nữ công nhân gửi con yên tâm công tác.

Theo lãnh đạo huyện Thạch Thất, địa phương đang lúng túng, bởi trường mầm non CL dư phòng học nhưng công nhân chỉ muốn gửi ngoài công lập (NCL). Lý do là trường NCL nhận đón sớm, trả muộn, trông trẻ cả ngày nghỉ.

Cần cơ chế đặc thù

Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến đều đề xuất Bộ GD&ĐT, TP Hà Nội có cơ chế đặc thù cho các quận, huyện, khi xây dựng KCN, chủ đầu tư phải khảo sát nhu cầu CN lao động trong độ tuổi có trẻ đi học MN, đặc biệt KCN phải có dự án xây dựng trường MN… Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Mạnh cho biết: “Trên địa bàn, KCN được xây dựng hơn 10 năm nhưng không có quy hoạch phụ cận. TP, chủ đầu tư cần tính khu phụ cận, nếu không huyện sẽ bị động, khó dự tính được trường lớp, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân” – ông Mạnh kiến nghị.

Còn bà Nguyễn Thị Tám – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, trên địa bàn huyện có KCN Bắc Thăng Long, với 63.000 công nhân, gấp 6 lần dân xã Kim Chung, trên 3.000 trẻ, trong đó trẻ học ở 3 trường CL, 5 trường tư thục, hơn 10 nhóm trẻ. Hiện số trẻ chưa đến trường 1.648 trẻ, mức tăng hàng năm 250 - 300 trẻ. Số trẻ trong độ tuổi đông, nhóm lớp tư thục “phình” rất lớn, gây khó khăn trong cấp phép.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Hà Nội nên rà soát, dự báo dành bao nhiêu quỹ đất, kêu gọi đầu tư, có chính sách thích hợp để xây dựng trường lớp đảm bảo điều kiện gửi trẻ ở các KCN. Đồng thời, quan tâm vai trò quản lý Nhà nước về giám sát MN và dành quỹ đất khu nhà ở cho công nhân. Đã có KCN phải gắn với nhà ở cho công nhân, trường lớp cho trẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT xem xét cấp ngân sách Nhà nước theo tỷ lệ nhất định đối với trẻ em học tại cơ sở MN NCL, tạo điều kiện khuyến khích mở rộng loại hình trường NCL, đảm bảo công bằng với mọi trẻ. Chỉ đạo quy hoạch KCN tại các địa phương gắn việc xây dựng khu nhà ở cho công nhân, xây dựng trường lớp theo quy định.