Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường nghề chủ động cứu mình

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nguy cơ nhiều trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) "chết yểu" vì ít người học, một số cơ sở dạy nghề đã thay đổi phương thức đào tạo để sinh viên (SV) tốt nghiệp có việc làm chiếm tỷ lệ cao.

Chú trọng đào tạo giáo viên
Mấy năm nay, các trường CĐ và TC luôn gặp khó trong tuyển sinh. Thông tin từ Bộ LĐTB&XH về con số hơn 196.000 người lao động trình độ CĐ chuyên nghiệp và TC chuyên nghiệp không tìm được việc làm trong quý III/2016 càng khiến các trường nghề rơi vào cảnh chợ chiều. Vì vậy, nâng cao chất lượng và đổi mới chương trình đào tạo sát với yêu cầu của DN đã được Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội chọn để tự cứu mình. Hiệu trưởng Phạm Đức Vinh cho hay: “Nhà trường đưa ra nhiều biện pháp, trong đó hàng năm có mời các chuyên gia ngoài nước trong lĩnh vực thực hành sang đào tạo giáo viên (GV); cử GV đi đến những trường đối tác ở nước ngoài để tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, thực hành tay nghề...”. Hợp tác quốc tế là kênh rất quan trọng để nhà trường có điều kiện tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề. Đến nay, trường có quan hệ với đối tác ở nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Australia, Anh, Phần Lan… đã mang lại hiệu quả khả quan. Cuộc khảo sát của trường vào đầu tháng 8/2016 có tới 88% SV tìm được việc làm ngay trong ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Sinh viên trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội thực hành. Ảnh: Thanh Hải

Hay nhìn từ thực tế của mình với đa số GV trẻ mới ra trường, kinh nghiệm tuyển sinh và đào tạo còn hạn chế, Trường TC nghề Cơ khí I Hà Nội xác định mục tiêu: Ứng dụng thực tập sản xuất trong từng bài thực hành của học sinh; DN tham gia vào quá trình đào tạo và tiếp nhận học sinh thực tập. “Trường đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề cho GV” - Hiệu trưởng Tạ Văn Xã khẳng định và cho hay, để hiểu rõ trình độ kỹ năng nghề của GV, ngoài việc tìm hiểu hồ sơ từng người, trường còn khảo sát thực tế. Kết quả, 100% GV có tay nghề bậc 4 và chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trở lên, nhưng kỹ năng sử dụng máy móc công nghệ cao còn hạn chế. Nhà trường đã tạo điều kiện cho GV thực tập nâng cao kỹ năng tay nghề tại các DN, đồng thời bố trí sắp xếp để cán bộ, GV được tham gia các khóa thực tập kỹ năng nghề do Sở LĐTB&XH tổ chức”.
Sinh viên đến học và thi tại doanh nghiệp
Mô hình liên kết nhà trường - DN được nhiều cơ sở dạy nghề thực hiện trong việc soạn giáo trình, mời chuyên gia đến giảng bài, đưa SV đi thực tập. Nhưng hiện nay, việc đưa SV đến thực tập đúng chuyên ngành, học và thi tại DN không phải đơn vị nào cũng làm được. Cách làm này đã giúp Trường CĐ Điện tử Điện lạnh Hà Nội có tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm cao, ngành ít nhất cũng lên tới 70%. Có những ngành, SV chưa tốt nghiệp đã tìm được việc làm. Giải thích về kết quả này, Hiệu trưởng Chu Khắc Huy cho rằng, đó là nỗ lực rất lớn: Chương trình đào tạo của trường được cập nhật theo công nghệ mới. Năm 2016, trường đưa khá nhiều SV đến DN thực tập và được đánh giá cao. SV thực tập trong dây chuyền sản xuất máy in của Công ty TNHH Canon Việt Nam hưởng lương cứng 4,6 triệu đồng/người/tháng; điều khiển dây chuyền tự động tại Công ty TNHH Thép Nhật Quang hưởng lương 3,9 - 4 triệu đồng/người/tháng… “Nhà trường đặt ra mục tiêu tìm DN hoạt động theo đúng chuyên môn của SV để các em được trang bị kỹ năng tay nghề, rèn giũa tác phong công nghiệp và có thu nhập” – bà Nguyễn Hằng Nga – Trưởng phòng Đào tạo thông tin thêm.
Trong khi đó, Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội chú trọng việc đưa SV đến các DN có yếu tố nước ngoài để học nghề, kiến thức và trải nghiệm lao động thực tế. Theo Phó Hiệu trưởng Bùi Chính Minh: "Việc kết hợp giữa nhà trường và DN được thực hiện hết sức chặt chẽ. Khi DN có nhu cầu đưa SV đến tham gia dự án, chúng tôi ngồi với họ xây dựng chương trình nội dung kiến thức và thực hành phù hợp và có lợi cho hai bên. Với cách làm này, SV được trang bị kiến thức theo đúng chương trình đang cần, nội dung nào còn thiếu về trường sẽ được bổ sung". Với việc kết hợp nhà trường và DN một cách mềm dẻo, DN sẽ có cơ hội tìm được nhân lực có tay nghề; trường tiết kiệm được thời gian đào tạo, chi phí và vật tư thực hành; còn SV ra trường có thể hòa nhập được ngay với môi trường công việc.