Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường nghề “hút” thí sinh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi cơ hội vào đại học (ĐH) rộng mở cho thí sinh (TS) như hiện nay, nhiều trường nghề phải chuyển hướng tư vấn hướng nghiệp cũng như hỗ trợ tìm việc làm để có thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Lối đi riêng
Năm nay, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và cao đẳng chuyên nghiệp (CĐCN) đã được giao về Bộ LĐTB&XH để việc quản lý về một mối, song khó khăn vẫn chồng chất. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang báo động, tuy nhiên nhiều TS và phụ huynh vẫn có tâm lý “sính” ĐH. Cộng với các trường ĐH mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh, TS được đăng ký không hạn chế nguyện vọng nên trường CĐ càng khan hiếm nguồn tuyển. Để giải bài toán này, ông Đào Công Hải – Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đào tạo nhân lực cho Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam nghề điện, điện tử, điện công nghiệp, cơ khí, hàn, kinh tế và hỗ trợ sinh viên (SV) ra trường có việc làm ngay. Mặt khác, trường kết hợp với các công ty xuất khẩu lao động, để giới thiệu SV có mong muốn sang Nhật Bản làm việc. Tất nhiên các em sẽ được đào tạo tay nghề và ngoại ngữ đạt yêu cầu của đối tác. Chúng tôi hy vọng khi đầu ra được giải quyết thì nguồn tuyển đầu vào không còn khó”.

Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Liên kết đào tạo và tuyển sinh du học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là hướng đi mới của trường CĐ Đường sắt trong năm học này. Ông Đặng Trung Kiên – chuyên viên Phòng Đào tạo thông tin, khi vào trường, các em sẽ học văn hóa, kiến thức và được đào tạo một nghề. Chẳng hạn, nếu đối tác cần nhân lực nghề hàn, trường sẽ dạy cho các em những kỹ năng cơ bản, khi họ kiểm tra đạt yêu cầu sẽ làm các thủ tục xuất khẩu lao động. Nhà trường cũng đề ra chính sách mở để có chỉ tiêu xét tuyển phù hợp hơn. Không chỉ xét tuyển đào tạo những nghề phục vụ cho ngành đường sắt Việt Nam, nhà trường còn có những ngành bên ngoài để TS có nhiều cơ hội lựa chọn như: Cơ khí, gò, hàn, cắt gọt kim loại, lái xe nâng, kế toán DN. Trường CĐ Du lịch Hải Phòng cũng tiếp tục áp dụng mô hình đào tạo kép. Trong thời gian 2,5 năm, SV hệ CĐ được học tại trường và đi thực tế tại DN có hưởng lương. Khi tốt nghiệp, các em được cấp bằng CĐ và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành, được DN nhận ngay vào làm việc.
Tư vấn chuyên sâu
Trong lúc khó khăn về nguồn tuyển, lãnh đạo nhiều trường nghề cho rằng, cần chú trọng tư vấn cho TS và phụ huynh hiểu học nghề ra trường sẽ có việc làm và thu nhập ngay để ổn định cuộc sống. Nhất là khi thị trường đang cần nhiều lao động có kỹ năng làm việc trực tiếp. “Việc học ĐH hay CĐ là quyền của TS. Nếu học ĐH ra không tìm được việc làm là hết sức lãng phí. Do vậy, chúng tôi muốn phụ huynh tính toán rõ ràng, đầu tư cho con em mình học trong 3 năm để ra trường đi làm có thu nhập, sau đó học ĐH sẽ thuận lợi hơn. Thực tế, nhiều SV đã đi theo cách này và có công việc rất tốt” - ông Hải bày tỏ.
Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là sản xuất trực tiếp đang chiếm ưu thế. Đặc biệt với đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu công nghiệp, chế xuất. Để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức tư vấn tuyển sinh. Hơn thế, Tổng cục còn hướng dẫn TS nắm rõ, khi vào trường nghề sẽ được học trong điều kiện như thế nào, ra trường làm việc ở đâu, mức lương ra sao. Các em cũng có cơ hội thăng tiến và học liên thông lên trình độ cao hơn tùy vào nhu cầu của mỗi cá nhân. Học nghề nhưng các em cũng có thể hòa nhập vào phong trào khởi nghiệp đang diễn ra rất sôi động và sẽ được tạo điều kiện thuận lợi khi bắt đầu gây dựng sự nghiệp. SV tốt nghiệp CĐ cũng có cơ hội làm việc ở thị trường lao động ASEAN và các nước khác, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác cung cấp nguồn nhân lực thông qua các hiệp định song phương và đa phương.
Chúng tôi đã ra Thông tư, văn bản hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt là phân cấp cho các trường được toàn quyền tuyển sinh để lựa chọn học sinh, SV đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực và điều kiện để học nghề được thuận lợi nhất.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề  Cao Văn Sâm