Trưởng phòng Tổ chức nói: "Đi làm nghĩa vụ quân sự 3 năm rồi lại trở về nhé!". Mang giúp các túi tư trang đến nơi tập trung tại CLB Thống Nhất, anh còn dặn thêm: “Quân đội là trường đại học lớn đấy, hãy xứng đáng đoàn viên TNCS cơ quan báo, đừng làm phụ lòng mọi người”.
Tôi mỉm cười vẫy tay chào tạm biệt rồi cùng gần 500 thanh niên quận Hoàn Kiếm xếp hàng di chuyển theo đường Tràng Thi, qua Nguyễn Thái Học và cứ thế đi qua Nhổn, Trôi. Quá trưa thì đến doanh trại Trung đoàn Thủ đô ở Lai Xá. Cuộc huấn luyện tân binh bắt đầu ngay từ hôm sau với 11 hồi còi hiệu lệnh trong ngày. Ấy là còn chưa kể đến đêm đang ngủ say lại báo động chiến đấu. Cũng may mà có những cuộc tập luyện ấy để sau 3 tháng tân binh, chúng tôi hành quân bằng đôi chân một mạch 110 cây số lên Phú Thọ đóng quân.Vào một buổi sáng, đồng chí Chính trị viên Đại đội giao nhiệm vụ mới: "Cậu được cử đi học, học gì đến đấy sẽ biết". Chiếc xe Gát 51 chở 20 anh em được lựa chọn trong các đơn vị của Trung đoàn, bịt bạt kín chạy miết đến chiều tối thì đổ quân xuống một nơi có nhiều lều lán nằm trên những quả đồi đất đỏ. Dân địa phương bảo đây là Vị Thủy (Sơn Tây), nơi có trường dạy lái xe (D255) của quân đội. Trường dạy lái xe nguyên là trường Tiến bộ từ Trung Quốc chuyển về do các chiến sĩ lái xe Điện Biên Phủ hướng dẫn. Học trong 8 tháng, mỗi ngày 10 tiếng, tất cả các môn: Lý thuyết cấu tạo, bảo dưỡng sửa chữa, tay lái, luật giao thông. Học lái trên các loại đường, đặc biệt học rất kỹ về cách đi đường đồi núi, đèo dốc…Vào Trường SơnTốt nghiệp trường lái xe D255, chúng tôi mỗi người một xe cứ thế chạy thẳng vào Tân Kỳ, Quảng Bình, biên chế vào Đoàn 3 - trung đoàn xe đầu tiên được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng chạy theo đường 12. Đoàn xe đến đồn Chalo vượt đèo Mụ Giạ sang Lào, rồi chạy theo đường 129, dọc phía tây Trường Sơn. Đầu tiên chúng tôi chạy từ Tân Kỳ đến R1 (ký hiệu địa danh bí mật). Sau một thời gian quen đường, chạy tiếp đến R2, mỗi cung đường khoảng hơn 100km. Lúc đầu chưa biết rõ quy luật thời tiết nên nhiều chuyến gặp mưa dầm dề, sông suối ngập tràn. Đến Khe Tang thì gặp nước lũ xóa mất đường qua suối. Đại đội trưởng ra lệnh: "Chọn một số tay lái tốt nhất lần lượt lái xe vượt suối. Còn anh em cởi hết quần áo lội xuống đứng xếp hàng hai bên làm cọc tiêu". Các xe đều phải tháo dây curoa cánh quạt để khỏi hỏng bộ phận điện. Có xe đến giữa suối chết máy, phải đấu 2 xe mới kéo qua được. Lên bờ, xe của anh nào anh nấy (người còn ở trần) cứ thế nhảy lên chạy, phòng máy bay Mỹ tập kích bất ngờ. Hầu hết các chuyến đi trong đêm tối phải dùng đèn gầm có cự ly ánh sáng khoảng 5m để máy bay địch không phát hiện được. Nếu trời có trăng thì tắt cả đèn gầm, xe chạy theo "tọa độ". Xe ra đến mặt đường là gặp ngay pháo sáng, bom bi, mìn lá gan, mìn vướng, mìn tai hồng, bom nổ chậm… Mỹ đem thử rất nhiều vũ khí hiện đại ngăn chặn tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta. Từ 5/8/1964, Mỹ đánh Lạch Trường (Thanh Hóa), cũng là bắt đầu đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn. Bộ Tư lệnh 559 quyết định mở đường 20 quyết thắng, lấy phà Xuân Sơn làm điểm xuất phát, đồng thời vẫn tận dụng đường 129. Địch lại quay sang tập trung đánh đường 20. Ta lại mở tiếp đường tránh, đã có lúc có tới 5 con đường song song. Mỗi con đường dài 500 - 700 cây số.Năm tháng qua đi, chiến sự càng ngày càng ác liệt với các cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân miền Nam. Máy bay các loại, trong đó có cả B52 quần đảo bắn phá ác liệt. Đường của ta tuy đã mở nhiều, song vẫn có chỗ không thể làm được đường tránh. Như đoạn "cổ họng" trọng điểm ATP gồm: Cua chữ A, Ngầm Ta-lê và đèo Phu-la-nhích. Trung bình ở đây cứ 15 phút có một chùm bom. Mỗi khi qua đoạn đường này, chúng tôi đều tự nhủ: "Mày bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết". Có thời gian lên đến hàng nghìn xe chạy liên tục trong đêm, chạy lấn sáng, lấn chiều, chở đủ thứ nhu yếu phẩm, chở tất cả những thứ gì quân, dân miền Nam cần. Một tháng 31 đêm, xe đi cả 31. Cuộc sống Trường SơnTrong chiến đấu gian khổ, ác liệt, bộ đội Trường Sơn với hàng vạn cán bộ chiến sĩ đóng quân từ Bắc vào Nam vẫn có cuộc sống khá ổn. Ngoài lương thực, mắm tôm, thịt thùng từ Bắc chuyển vào, các đơn vị đều tổ chức đi lấy măng, rau tàu bay… Lúc gặp khó khăn cấp phát cho mỗi người 150 viên đạn/tháng thay cho thực phẩm để tự đi săn chim chóc, thú rừng về cải thiện bữa ăn. Văn công thì bám sát các đơn vị chiến đấu, phục vụ bất cứ đâu. Đội văn công binh trạm 32 có 11 anh chị em đang biểu diễn thì bất ngờ máy bay Mỹ đến ném bom, 10 đồng chí hy sinh. Nhưng hội diễn "tiếng hát át tiếng bom" vẫn được tổ chức hàng năm. Nhiều đoàn văn công từ Bắc vào tiếp sức cho phong trào cây nhà lá vườn. Một số nhạc sĩ có tiếng vào sáng tác dựng vở cho anh em. Nhạc cụ cũng có ghi ta, măng-đô-lin, sáo, nhị… Chúng tôi ở Trường Sơn cũng có sách báo đọc, đài nghe từ miền Bắc chuyển vào. Lại có cả báo Trường Sơn, các bản tin Binh trạm cổ vũ mọi người quên gian khổ, vui vẻ ra mặt trận.Bắt nguồn từ lòng tinGọi là đường, nhưng có lẽ phải gọi là tuyến hậu cần chiến lược thì mới đúng. Bởi không có sự chi viện sức người, sức của của miền Bắc qua con đường Trường Sơn huyền thoại này thì không có thắng lợi ở miền Nam, không có chiến thắng 30/4.Chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn được sống và chiến đấu trong những năm tháng hào hùng, chói lọi nhất của dân tộc. So với lớp thanh niên ngày nay, người thanh niên của năm, sáu chục năm trước có cuộc sống không lắm chiều cạnh phong phú, không tự do nhiều vẻ, nhưng lại trong sáng thánh thiện đến lạ kỳ. Hồi ấy, chúng tôi có lòng tin tuyệt đối: Cuộc kháng chiến chống Mỹ nhất định thắng lợi…