Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trưởng thôn 8x dám nghĩ, dám làm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích của Nhân dân, là những điều mà bà con thôn Bái Ngoại, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội nói về "ông” trưởng thôn 8X Kiều Văn Phượng.

Mặc dù mới chỉ 33 tuổi, là trưởng thôn trẻ nhất huyện, song những gì mà anh Phượng làm được cho người dân là rất đáng ghi nhận.

 
Trưởng thôn 8x dám nghĩ, dám làm - Ảnh 1

 
Đến thôn Bái Ngoại vào một ngày giá rét, chúng tôi được anh Phượng dẫn đi thăm cánh đồng của thôn đang vào vụ Đông với rau và ngô xanh mướt. Anh cho biết, toàn bộ những con đường dẫn ra đồng trước kia lầy lội, nay đã được rải hỗn hợp đá dăm phẳng phiu, kiên cố. Tính đến nay, Bái Ngoại là thôn duy nhất của xã Liệp Tuyết làm được việc này, và cũng là thôn đầu tiên của xã hoàn thành dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ngay từ cuối năm 2013. Nhớ lại những ngày đầu đi vận động người dân ủng hộ việc DĐĐT, anh Phượng chia sẻ: Ban chỉ đạo của thôn đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi tâm lý người nông dân muốn làm theo cách "cào bằng", nhà nào cũng có ruộng tốt, ruộng xấu. Nếp nghĩ này đã tồn tại bao đời nay, dẫn đến diện tích canh tác của các hộ manh mún, cản trở việc cơ giới hóa sản xuất. Quyết tâm thay đổi nhận thức đó, anh đã đề nghị tổ chức hàng chục hội nghị, tọa đàm giữa cán bộ thôn với người dân. Rồi hàng ngày, hàng tuần, anh tự viết bài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã và đến từng hộ gia đình vận động về lợi ích của việc DĐĐT.

 Với cách làm "mưa dầm thấm lâu", anh đã tập hợp được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Tuy nhiên, khi bắt tay vào DĐĐT lại xuất hiện vướng mắc là việc di dời, tập trung mồ mả. Cùng tập thể cán bộ thôn, xã, anh Phượng đã vận động bà con di dời mồ mả của gia đình, dòng họ mình vào khu tập trung cao ráo, đảm bảo VSMT. Các ngôi mộ được xây quy mô như nhau, không có tình trạng nhà có điều kiện xây to, nhà khó khăn xây nhỏ. Đến nay, 90% số mồ mả đã được tập kết tại một khu, 10% còn lại là mồ vãng lai, thôn cũng đã có kế hoạch di dời. Anh Phượng tâm sự, việc vận động bà con nhận ruộng sau khi DĐĐT cũng vô cùng khó khăn vì người dân dễ nảy sinh tâm lý đố kỵ khi hộ khác nhận được khu ruộng tốt hơn nhà mình. Để làm gương, đích thân anh đã tự nguyện nhận phần đất xấu nhất của cánh đồng. Trước việc làm này, 100% bà con trong thôn đã tin tưởng và vui vẻ nhận ruộng.

Chứng kiến những đổi thay từng ngày của làng quê, người dân Bái Ngoại vẫn nhắc nhau rằng: "Công lớn là do trưởng thôn Kiều Văn Phượng". Ở tuổi 33, anh Phượng đã có 4 năm làm trưởng thôn và 5 năm liền đạt danh hiệu "Người tốt Việc tốt" do UBND huyện Quốc Oai tặng thưởng. Với những kế hoạch táo bạo mà anh đang ấp ủ, người dân trong thôn càng thêm tin tưởng người trưởng thôn trẻ tuổi, dám nghĩ dám làm này sẽ giúp quê hương ngày một giàu đẹp, xứng với bề dày truyền thống của Làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Hà Tây cũ (từ năm 1998).