Minh bạch thông tin Ngay sau khi khởi động vào đầu tháng 8, các DN tham gia thí điểm đã cho in tem và dán lên sản phẩm. Ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen, một trong 5 DN kinh doanh, phân phối nông sản thực phẩm sạch của Hà Nội tham gia thí điểm cho biết, đây là một chương trình rất mới nên DN phải nghiên cứu, tính toán thật kỹ trước khi làm. Để đảm bảo chi phí in tem không làm đội lên giá thành sản phẩm, Công ty dự định đầu tư mua máy in tem riêng. Tương tự, Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại cũng đang triển khai in thử tem có mã QR code lên nhãn sản phẩm để tiết kiệm chi phí.
Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Lê Sỹ Vinh - một trong những người nghiên cứu, xây dựng hệ thống này cho biết, mục đích lớn nhất của hệ thống là minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Trên hệ thống, mỗi DN sẽ có một tài khoản để cập nhật và quản lý danh sách các sản phẩm đang kinh doanh, giấy chứng nhận ATTP cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác. Mỗi DN có thể tự tạo và in tem QR code để dán lên sản phẩm. Tuy nhiên, quyền phê duyệt các DN tham gia và sản phẩm đăng ký trong hệ thống lại thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Với phương thức này, sau khi đơn vị quản lý kiểm tra, xác nhận đúng nội dung thông tin DN đăng ký, cũng như các giấy tờ chứng nhận của sản phẩm mới cho phép DN kết nối, cập nhật vào hệ thống. Khi DN cần thay đổi thông tin liên quan đến sản phẩm cũng phải có sự đồng ý của đơn vị quản lý. Như vậy, công tác quản lý thông tin được tốt hơn và Nhà nước có thể quản lý chéo được DN. Đồng thời, trên hệ thống sẽ có cảnh báo khi giấy chứng nhận ATTP của các cơ sở, sản phẩm gần hết hạn để người tiêu dùng biết và giúp DN bổ sung, cập nhật giấy chứng nhận mới kịp thời. Không làm tràn lan Trước những băn khoăn về việc liệu DN có tự ý dán tem lên cả những sản phẩm không rõ nguồn gốc để bán ra thị trường hoặc “mua – bán” tem QR code, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Đỗ Hoàng Thạch cho biết, tham gia chương trình, các DN phải cam kết về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Trong trang chủ của hệ thống cũng có dòng hiển thị ở dưới “Cơ sở sản xuất và DN phân phối chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng”. Do đó, nếu DN làm ăn gian dối sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay. Bên cạnh đó, trong trường hợp tem QR code bị sử dụng sai mục đích, thông tin sẽ được người tiêu dùng phản hồi về hệ thống. Từ đó, đơn vị quản lý sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý. Để triển khai hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc thực phẩm có hiệu quả, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội chỉ lựa chọn thí điểm đối với 5 DN phân phối và 6 cơ sở sản xuất, đều là những đơn vị có uy tín. Cùng với đó, 350 dòng sản phẩm đầu tiên được dán tem QR code cũng là những sản phẩm đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, trước mắt không thể áp dụng ngay việc dán tem QR code với tất cả các sản phẩm mà chỉ thí điểm trên những mặt hàng nông sản thực phẩm có chất lượng, thương hiệu, đảm bảo ATTP. Theo ông Đăng, bản thân các DN cũng cần phải nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc dán nhãn QR code, không chỉ để người tiêu dùng yên tâm mà còn khẳng định thương hiệu sản phẩm của chính DN mình.
Người tiêu dùng sử dụng smartphone để quét mã QR code trên trái cây. Ảnh: Quang Thiện |