Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Hết một ca trực

Huyền My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cái tên của ông bố trên hồ sơ khiến cho bác sĩ Tuyền ngờ ngợ. Chị liếc qua phần địa chỉ, cảm thấy có một cơn gió mơ hồ đâu đó vừa thoáng qua người, lành lạnh. Dù giờ này, trong căn phòng trực chỉ có chị và mấy y tá, điều dưỡng ca đêm đang cặm cụi hoặc tất bật.

Đứa trẻ nằm ở khoa này đã nhiều đợt. Hết về lại vô. Căn bệnh liên quan tới túi mật không hẳn nan y nhưng lại chẳng có cách chữa cho dứt dạt. Trải qua nhiều đợt điều trị ngắn dài, con bé kiệt sức, suy dinh dưỡng, teo tóp. Sức đề kháng càng yếu, bệnh thêm cơ hội hoành hành. Như một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát, khiến cho đứa trẻ lẫn cha mẹ nó mỏi mòn tàn tạ trong cảnh phải lấy bệnh viện làm nhà.
Chị cố hình dung ra bà mẹ khốn khổ của nó, nhưng không nghĩ ra nhân dáng của người từng ra vào cái tầng lầu này. Riêng hình ảnh đứa nhỏ bệnh tật quắt queo kia thì chị có thể nhớ ra, mồn một. Không ít lần, chị đã dừng lại, chạm tay vào con bé, cảm nhận nỗi xót xa tội thương của mình len lỏi tận sâu trong lòng. Có ai ngờ…
 Minh họa: An Chi
Hồi Khôi đám cưới lần hai, chị cũng có nghe. Phong thanh đâu là người quen cũ của anh, còn cũ tới chừng nào thì Tuyền không biết. Càng chẳng buồn tìm hiểu xem đó có phải là người đàn bà trong bóng tối đã khiến cho cuộc hôn nhân của chị tan vỡ hay không. Chị cũng mặc kệ mấy cái tin đồn râm ran rằng, Khôi thực ra có người khác lâu rồi, nên mới cương quyết bỏ vợ. Chị nghĩ đơn giản rằng, hết duyên thì đành buông tay thôi.
Chị và Khôi yêu nhau từ hồi sinh viên, ra trường thì kết hôn, cho tới ngày hai bên chia tay, chẳng biết anh quen cô vợ hiện tại vào lúc nào nhỉ? Bạn bè chung xì xầm bảo, chồng chị, chính xác là chồng cũ của chị “tập hai” với một phụ nữ đâu đâu ấy, nghe như là bán mỹ phẩm áo quần vớ vẩn ngoài chợ. Kinh dị thật.
Tính bôi bác vào mặt Tuyền hay sao nhỉ? Không giữ thể diện cho mình thì cũng phải nghĩ tới người vợ từng danh chính ngôn thuận cưới hỏi chứ. Lẽ nào muốn lấy ai cũng được. Khá nhiều bạn bè đã tỏ ra bức bối dùm Tuyền.
Lúc ấy, Tuyền cũng chỉ cười. Còn liên quan gì tới nhau mà phải nặng nề. Anh giờ là đàn ông tự do, thích đến với ai chẳng được. Lấy vợ là cho mình, đâu phải cho thiên hạ mà phải để ý xem người khác có vừa lòng hay không. Là Tuyền nghĩ thế. Chị cũng chẳng tò mò.
Mọi thứ đã kết thúc lâu rồi. Tuyền nhẹ nhõm nói vậy với những cô bạn trang lứa thời họ còn học trường Y, trường Kỹ thuật. Ai cũng tiếc cho một cặp đôi “trời sinh” phải tan rã. Hôn nhân bây giờ khó lắm. Tuyền đắng đót nghĩ thầm một mình khi dọn dẹp mớ đồ đạc ít ỏi rời khỏi ngôi nhà đã vài năm chung sống cùng gia đình chồng. Chị từng nghĩ, hẳn khoảnh khắc ấy sẽ đau đáu muộn phiền lắm. Có khi là bật khóc nữa kìa. Thế mà, cái cảm giác không bao giờ còn quay trở lại nơi từng gọi là “nhà mình” lại đơn giản đến lạ lùng.
***
- Ca này bác sĩ Tuyền phụ trách nhé!
Lời phân công của vị trưởng khoa có vẻ cao hơn cả một câu hỏi. Nó giống như một sự khẳng định. Chẳng phải anh ấy từng nói, chuyên về gan mật ở Việt Nam còn hiếm lắm, Tuyền là một trong vài bác sĩ hiếm hoi có nghiên cứu lẫn kinh nghiệm trong mảng ấy. Tuyền cầm dao mổ là chắc chắn rồi. Nhưng lần này….
Vẻ lừng khừng trong mắt Tuyền không qua được sự am hiểu lẫn quan tâm của vị đồng nghiệp. Anh dịu dàng hỏi:
- Có vấn đề gì không, Tuyền ơi?
Tuyền khẽ lắc đầu, tránh cái nhìn có phần ấm áp quá mức cần thiết ấy. Chẳng khó khăn gì để Tuyền không nhận ra nỗi đồng cảm, san sẻ ý nhị của vị bác sĩ trưởng khoa bấy lâu. Anh góa vợ, có một con trai đã lớn đang đi du học, là thần tượng trong tim của bao nữ bác sĩ trẻ lẫn các cô y tá ở đây. Chỉ có riêng Tuyền, cớ gì vẫn thờ ơ, thậm chí là lảng tránh? Nhiều lúc, Tuyền tự hỏi, lẽ nào cuộc hôn nhân thất bại đã khiến Tuyền mất niềm tin đến thế?
***
Ngay từ trước cửa nhà, chị đã nhìn thấy Khôi. Anh ngồi trên tấm nệm nhỏ kê sát vách, vây quanh là một đám đàn ông đàn bà u buồn đang than khóc. Nhìn Khôi có vẻ hơi gầy so với hồi còn bên chị. Mắt kiếng dường như đang nhòe nhoẹt nước. Đứa con gái nhỏ được anh ôm khư khư trên tay. Tuyền chợt có ý nghĩ, thật ra một người đàn ông tốt thì mới ôm chặt con trong cảnh sinh ly tử biệt ấy. Mai này, đứa trẻ trở nên lạnh lẽo rồi biến mất khỏi cõi nhân gian này, hẳn nó cũng được an ủi phần nào khi được nằm trong vòng tay ấm áp của cha mình tới tận giây phút cuối cùng của kiếp người ngắn ngủi…
Khôi đưa mắt nhìn vợ cũ, phảng phất dấu hỏi: Cô tới đây làm gì, để hả hê sao, thấy gia đình tôi tan tác thế này thì hài lòng chưa? Vài người xung quanh cũng quay ra nhìn Tuyền, lạnh nhạt, lồ lộ ý nghĩ: Còn dám vác mặt đến đây à? Tuyền điếng người trước ánh nhìn đầy căm ghét và trách móc đó, luống cuống chẳng biết nên tiến tới hay lui ra. Chị nửa đau đớn với cảnh tượng trước mặt, nửa loay hoay với ý nghĩ, mình vì đâu mà lâm vào tình thế khổ sở như này?
Giấc mơ tới đây thì chấm dứt. Tuyền bật dậy, miệng khô khốc. Chị mở mắt nằm im, đợi dư vị của cơn ác mộng trôi qua dần, tự hỏi mình đâu nghĩ tới Khôi nhiều tới nỗi bị ám ảnh cả trong lúc ngủ thế này. Hay đấy là một cái điềm cảnh báo, để nhắc Tuyền đừng bao giờ dại dột dây dưa với người cũ nữa? Muộn phiền đã qua coi như trả đủ, đâu nhất thiết phải tự làm khổ bản thân vì những chuyện chẳng liên quan gì. Người ta đã sống đời của họ lâu rồi, Tuyền cũng vậy, chọn con đường rộng rãi tự do để đi, cớ gì phải lăn tăn vướng víu…
Ngoài kia, đêm đã về sáng rồi. Hôm nay là một ngày quan trọng, ít nhất riêng Tuyền biết điều đó.
***
Tuyền nhìn người đàn bà, lòng âm thầm định giá. Hẳn là cô ấy trẻ hơn Tuyền vài tuổi, nhưng trông tàn tạ với khuôn mặt lấm chấm tàn nhang, lại khá dư cân, béo mập. Dạng người phốp pháp không biết giữ gìn sắc vóc đây mà. Tuyền thoáng cười, vẫn là trong lòng. Chê bai lựa chọn cho cố vào, rồi cuối cùng thế này sao? Hay đây mới chính là mẫu phụ nữ phù hợp với gia đình nhiều thế hệ sống chung của Khôi? Tuyền vướng vất nghĩ, hả hê đúng kiểu đàn bà…
Thực ra, ngày ấy Tuyền cũng đã nản lòng. Khóa chuyên tu kéo dài vài năm dường như thử thách kiên nhẫn của tất cả mọi thành viên phía bên chồng. Mẹ của Khôi vẫn thường xuyên lẩm bẩm với âm lượng kha khá, rằng cứ tưởng có con dâu về thì đỡ bề bộn việc nhà. Ai ngờ lười biếng vô tích sự thế.
Chồng Tuyền thì vẫn sống như hồi trai trẻ, tức là loanh quanh đây đó rồi vào bếp lục cơm nguội, xúc ra tô vừa ăn vừa coi tivi hoặc bấm game tưng bừng, miệng kêu chíu chíu theo từng pha hào hứng. Cạn ví thì vô tư hỏi vợ: Em không đưa tiền tháng này cho anh chi tiêu à? Tuyền có bữa đi trực về, mỏi mệt ngang qua căn phòng khách, Khôi dường như cũng chẳng nhìn thấy. Duy nhất một lần, anh buông câu trống không hằn học:
- Học gì mà lắm thế?
Tuyền định đanh đá trả treo rằng, thấy tôi đi học thì anh tức tối lắm sao. Nhưng đấy không phải thói quen lẫn tính cách của Tuyền. Niềm vui của Tuyền dần thu hẹp lại quanh những đứa trẻ dần khỏe mạnh, được xuất viện, rời khỏi nơi đông đúc ồn ào tiếng khóc la ấy. Ngày lên lớp, chiều tối vào bệnh viện trực, những ca khó phải kéo dài tới đêm về sáng khiến Tuyền như kiệt sức.
Ngay cả khao khát được yêu thương chia sẻ dường như cũng cạn khô mất rồi. Nhiều đêm, chị lẳng lặng kéo chăn lên che kín người, xoay vào vách, cố dỗ giấc muộn màng. Khôi không rời mắt khỏi cái điện thoại thông minh, miệng vẫn hồn nhiên kêu chíu chíu. Có vẻ như từ lâu lắm, anh cũng chẳng buồn đụng vào Tuyền, dù chỉ là chiếu lệ…
Không nhiều người biết, Khôi thực ra chẳng đi hết bậc đại học. Vài cái chứng chỉ bị nợ lại, khiến anh nào lấy được tấm bằng. Cái công ty tư nhân do Khôi đứng tên làm giám đốc, thực ra là bố chồng Tuyền lập cho con trai. Chẳng lẽ để nó lông bông mãi, bố chồng nói trước mặt cả nhà. Nhưng với thiên hạ, anh vẫn là người đàn ông trụ cột, tốt nghiệp một trường danh giá, đang làm sếp một đơn vị ăn nên làm ra đấy nhé.
Giờ đây, Tuyền đang đứng đối diện với người đàn bà đến sau của Khôi, trong dáng vẻ lo âu khúm núm. Thăm khám lần nữa cho đứa nhỏ xong, Tuyền quay sang cô ta dặn dò thêm vài ý để chuẩn bị cho ca phẫu thuật sắp diễn ra. Không mổ, chắc chắc nó sẽ chẳng qua hết tháng này. Dẫu năm ăn năm thua thì còn nước còn tát, chỉ cần mình đừng bao giờ nản lòng bỏ cuộc. Tuyền nhấn mạnh. Đâu đó vang lên câu hỏi thăm, sao lâu rồi không thấy ba nó vào với con. Mẹ của đứa trẻ im lặng giả như không nghe, hoặc chẳng buồn trả lời, đôi vai xuôi xị xuống khi bồng con đi quanh cái cây inox treo dịch truyền. Tuyền cám cảnh thở dài.
Tuyền yêu những đứa trẻ phải vào đây bằng nỗi xót xa của một người mẹ. Không con cái, chẳng ràng buộc gì, chỉ nên sống đời bình lặng vậy thôi, là đủ. Vì tình yêu của tuổi thanh xuân khó lòng có thể trở thành tương lai rực rỡ, khi họ đã khác biệt nhau về mọi thứ. Mà thôi, sao phải lăn tăn những điều phù phiếm ấy, khi đứa trẻ gầy tong teo với cái bụng trướng to kia vừa được kỹ thuật viên gây mê thành công, đang nhè nhẹ thở đều dưới đôi bàn tay thành thạo của Tuyền.
Chị cẩn thận khâu nốt những mũi cuối cùng trên làn da vừa xẹp lại. Trước đó vài giờ, bụng con bé vẫn đang căng tròn do các cơ quan bài tiết gan mật không hoạt động nổi. Nó đã trải qua hai đợt phẫu thuật kéo dài. Tội nghiệp. Con gái nhờ phước cha. Môi Tuyền dường như muốn chỉ bật cười dưới cái khẩu trang y tế được che chắn cẩn thận. Thâm tâm chị tự nhủ, đừng âm lịch hoặc ác nghiệt thế, ai cũng có phần số riêng, phải tự sống cuộc đời của mình mà... Thêm vài thao tác chuyên môn, Tuyền rời khỏi phòng mổ, tin là mình đã làm tốt nhất trong khả năng rồi.
Không khí lạnh ngắt của khu phẫu thuật đã lùi lại. Đến lúc này Tuyền mới cảm tưởng như chị có thể khụy xuống ngay lập tức, sau một đêm chập chờn thiếu ngủ lẫn căng thẳng trước ca mổ. Bằng những bước chân của thói quen nhiều hơn, Tuyền thấy mình đã về tới chỗ dành cho các bác sĩ:
- Nhìn Tuyền xanh quá, ca mổ ổn hết chứ?
Kèm theo lời hỏi han, vị bác sĩ trưởng khoa tỏ một cử chỉ sẵn sàng đỡ lấy Tuyền. Chị nở nụ cười hiếm hoi của mình, khiến cho cả khuôn mặt bừng lên, thay cho câu trả lời. Anh bỗng ân cần vỗ nhẹ lên cánh tay Tuyền, như thể động viên hoặc khen ngợi, chẳng rõ nữa. Ngay khoảnh khắc ấy, lòng Tuyền bỗng nhói lên ý nghĩ: Nếu mỏi mệt quá thì Tuyền cứ dựa vào vai họ, cố để gồng lên mà làm chi, phải không nào...