Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Nhà trọ mùa bóng đá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài ré lên cũng là lúc người ta xô đẩy nhau vội vã rời những quán café có trang bị màn hình lớn.

Rất nhiều chai bia và vài bịch đậu phộng nằm ngổn ngang trên những chiếc bàn nhỏ như một nhân chứng cuộc đời vừa chứng kiến trận bóng đá lớn nhất trong năm. Người hí hửng do mới vừa thắng cuộc của một kèo độ nào đó, cười nói oang oang trong ngõ vắng. Người thì thất tha thất thểu rời quán với tâm trạng buồn vô kể.

Lũ sinh viên trong đó có Nam cũng trong đám người uể oải ấy lặng lẽ rời quán bước ra con đường lớn với tâm trạng mệt mỏi, chán chường. Trời đang chuyển mưa. Sấm chớp liên hồi. Những hàng cây to trước khuôn viên trường đại học đang nghiêng qua nghiêng lại như đang chống chọi những cơn gió mạnh phát ra những tiếng kêu rào rào mỗi lúc một lớn. Hơn ba giờ sáng. Đường vắng tanh chỉ có vài ba người chạy hàng.
Minh họa: Hiền Nhân.
Minh họa: Hiền Nhân.
Cơn đói bụng bắt đầu hành hạ Nam. Suốt đêm qua nó có ăn uống gì được đâu. Những đồng tiền cuối cùng mà ba má ở Bến Tre gởi qua cho nó ăn học đã hết sạch sau trái bóng tròn ma quái từ phía bờ đại dương xa lạ. Nhiều lần vay mượn bạn bè với các lý do nó bịa ra rất bài bản nhưng rồi cũng bị phát hiện.

Hôm qua, thằng An quê Cà Mau, ở cùng phòng với nó tuyên bố:

- Mầy “đểu” quá, lại còn bất hiếu nữa. Tao cũng nghèo như mầy, ba má tao phải giữ vịt bầy chạy đồng cho người ta mới có tiền gởi lên cho tao. Vậy mà mầy lừa tao mượn để cá độ bóng đá.

Thằng An nói tới đâu, Nam nghe nhức nhối và nhục nhã đến đó. Nó cúi gầm mặt chỉ dám ngó xuống sàn nhà để tránh né đôi mắt giận dữ, khinh miệt của thằng bạn nghèo như nó.

- “Đã vậy mầy còn nỡ nhẫn tâm lấy hết tiền của ba má mầy gởi qua để tiếp tục cái trò cờ bạc khốn nạn đó. Mầy là thằng mất dạy nhất trên đời”, An quát lên rồi bước ra khỏi phòng trọ, với cửa đóng cái rầm.

* * *

Đêm xuống. Nam bước thấp bước cao thẫn thờ trên phố như kẻ vô hồn. Thật ra nó cũng có chiếc xe đạp Trung Quốc mà thầy chủ nhiệm của nó bên Bến Tre tặng khi đậu vào đại học, nhưng mấy hôm trước nó đã cầm ở một tiệm cầm đồ gần dãy nhà trọ để lấy vài trăm ngàn định mua sách ôn thi tốt nghiệp. Nghe mấy thằng bạn rủ rê, nó bấm bụng mượn mấy trăm ngàn để cá độ bóng đá cơ may cải thiện cuộc đời. Thua. Hy vọng gỡ. Lại cầm cố những gì có được. Lại trắng tay.

Rã chân, nó lại quay về xóm sinh viên. Trước cửa phòng, người ta đã viết lên hàng chữ “...không thanh toán tiền phòng tháng nầy là 3 tháng rồi, xin mời đi nơi khác...”.

- “Anh Nam! Khuya tới giờ, anh đi đâu mất biệt vậy? Có chuyện gì phải hôn?”, tiếng của Thủy - bạn gái Nam nhỏ nhẹ từ phía sau lưng.

- “Không có gì đâu”, Nam trấn an. “Bộ từ tối tới giờ Thủy không ngủ sao? Đang kỳ thi tốt nghiệp rồi. Thủy phải cố lên. Còn anh...”, Nam thở dài thườn thượt.

Mới đó mà hai đứa ở chung dãy nhà trọ gần bốn năm rồi. Nhớ cái ngày đầu tiên “mết” nhau, bữa đó phòng trọ của Thủy bị mất điện, cả lũ con gái sinh viên trong phòng nhốn nháo vì không thể nấu ăn, học bài, mở quạt. Có khá nhiều đôi mắt nhìn sang phòng đối diện cầu cứu.

- “Nam, mầy giở chiêu “anh hùng cứu mỹ nhân” ra coi, biết đâu được các em để ý, sau này tỏ tình chút đỉnh”, thằng An khoái chí trêu chọc rồi cười khà khà trông phát ghét.

- “Qua thì qua, thằng nầy đâu ngán”, nói vậy chớ Nam cũng lo lắm. Trước giờ có biết điện đóm gì đâu. Chẳng qua muốn ra oai lấy lòng các em, nhất là cô sinh viên có đôi mắt lúc nào cũng buồn u ẩn.

- “Nè, mấy bạn tránh xa ổ điện một chút nghe để tui “xử lý” nó”, Nam dõng dạc.

Cả bọn con gái vội vã chạy ra khỏi phòng răm rắp, chỉ còn lại mình nó loay hoay, hí hoáy mở cầu dao điện. Khi cái kềm sắt của nó – vốn chỉ để sửa xe đạp mà thôi bất chợt chạm vào cầu chì, một tiếng nổ khô khốc vang lên, nó nghe một luồng điện luồn sâu trong người rồi nó mê man bất tỉnh.

Khi tỉnh dậy, nó thấy mình đang nằm trong căn phòng trọ quen thuộc. Đầu nó được đắp bằng một chiếc khăn nóng. Những khuôn mặt nhòe nhoẹt, chập chờn, đong đưa, chao đảo rồi cũng dừng lại.

- “Anh Nam tỉnh rồi, mấy bạn ơi!”, tiếng bọn con gái hét lên sung sướng.

- “Anh có sao hôn? Tui mà biết vậy, tui đâu có mượn anh qua sửa điện dùm”, tiếng của cô gái có đôi mắt buồn thật nhẹ nhàng, từ tốn, làm nó hạnh phúc đến ngất ngây. Sau ngày đó, Nam mới biết cô sinh viên ấy tên Thủy, quê ở Sóc Trăng.

Từ đó, cái xóm sinh viên nầy ai cũng biết đến cái tên Nam “thợ điện”. Và tất nhiên không một ai dám liều mạng nhờ nó tới sửa điện dùm. Câu chuyện làm tàng suýt nữa tiêu sanh mạng của nó luôn là đề tài cho bạn bè bàn luận suốt cả năm trời.

- “Vậy mà nó có được người yêu “xịn” mới ngon chớ”, tiếng thằng An trêu ghẹo.

- “Thôi nghe cha, cha liều mạng cái kiểu nầy có ngày ăn bánh men, hổng biết thì dựa cột mà nghe, “chảnh” mà “nổ”, xin nghiêng mình bái phục”, tiếng thằng Trung xía vào.

Xóm sinh viên nơi Nam ở trọ được mệnh danh là “hợp chủng quốc” với nhiều người quê quán khác nhau. Đã vậy mỗi khi phòng trọ trống, chủ nhà tranh thủ cho đủ dạng người đến thuê mướn.

Ở cái xóm trọ nầy buồn vui có đủ. Chuyện mấy cô sinh viên canh me thấy chủ nhà đi vắng tranh thủ ủi mấy bộ đồ cho thẳng thớm cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Cái thằng phòng cạnh bên tối ngày chỉ thấy phóng xe SH chạy tới chạy lui, say ngày, say đêm, đú đởn với mấy con bồ phấn son lòe loẹt, ăn mặc thì hết ý, mỗi lần nó ghé thì xóm trọ lại có đề tài bàn tán về thời trang. Nhiều lúc Nam nghĩ cứ như vậy làm sao nó học hành cho được. Rồi ba má nó nghĩ gì?

Tội nghiệp nhất là thằng Hoàng học Toán, nghe nói nghèo lắm. Sau giờ học nó phải phụ bán phở cho một quán ăn tận khuya mới lò mò về nhà trọ. Quần áo thì cũ mèm, vài ba bộ là cùng. Vậy mà nó luôn đứng đầu khoa mới ngộ. Nhiều đứa con gái nhà giàu đem lòng thương nó. Nó trả lời tỉnh rụi “...tui nghèo lắm, “xù đi”, tui ráng học để ra trường có việc làm nuôi ba má và hai em nữa...”. Nói xong, nó cười khì khì rất vô duyên. Thấy nó hiền, bà chủ nhà “tha” không lấy tiền phòng, ngược lại nó phải phụ đạo cho thằng quý tử lớp 7 của bà vốn học kém.

Xéo xéo phòng đối diện của Nam là căn phòng của hai tiểu thư quý tộc nghe nói đang học Khoa kinh tế. Họ thay đổi xe tay ga mới cóng cạnh. Nói chuyện đệm toàn tiếng Anh rất khó nghe. Đã vậy ban đêm còn ra rả chuyện đi khiêu vủ ở vũ trường nầy, vũ trường nọ, chuyện thằng bồ nầy già mà “sộp”, chuyện thằng bồ trẻ nghèo nhưng đẹp trai... khiến mấy phòng lân cận không tài nào ngủ được.

Có lần thằng Trung bức xúc nói vọng sang:

- Mấy bà nói nhỏ nhỏ cho tụi con ngủ, ngày mai tui con thi rồi mà mấy bà “tám” hoài, ai chịu cho nổi.

Tưởng ngon ăn, nhưng thật bất ngờ từ bên ấy, một giọng nói the thé tru tréo, chua ngoa, đanh đá vang lên:

- Biết năn nỉ mấy bà, thì mấy bà vặn “vô lum” nhỏ lại. Còn không thì coi chừng nghe mấy con!

Từ đó cả xóm trọ không ai dám đụng chạm đến hai cành vàng lá ngọc ấy nữa. Cũng may là hai tiểu thư ấy ở có vài tháng rồi dọn đi. Cả xóm sinh viên nầy mừng như mở hội.

Vui nhất là lúc đứa nào có bồ đến thăm là cả phòng phải “biết điều” lánh nạn sang phòng khác để họ tự do tâm sự. Sau đó, người “diễm phúc" ấy phải khao cả phòng một chầu theo sở thích.

Chưa hết, khổ nhất là lúc cuối tháng phải thanh toán tiền điện, tiền phòng, có đứa “lặn tăm” vài bữa hổng dám vác mặt về là chuyện thường tình.

* * *

- “Em nghe mấy người bạn anh kể chuyện của anh rồi. Thôi bỏ đi, đừng dây dưa với nó nữa. Sắp thi tốt nghiệp rồi, phải cố lên, ba má anh chắc tin tưởng ở anh lắm. Xóm nầy vắng anh chắc buồn lắm. Thôi đừng đi”, Thủy nhỏ nhẹ.

Đêm nay, Nam lại lang thang trên đại lộ. Có lẽ giờ nầy mấy thằng bạn cùng phòng đã ngủ rất say. Nam bỗng nhớ quê cồn cào. Ở đó mùa nầy chắc ba má vất vả lắm vì đã vào mùa mưa dầm. Cha chắc sẽ già đi theo những chuyến xe ôm trên những con đường quê trơn trợt. Má cũng sẽ héo gầy thêm vì nhịn bớt cái ăn cái mặc dành dụm tiền gởi qua cho nó ăn học. Sắp tựu trường rồi, mấy đứa em nó không biết đã có quần áo, tập sách mới chưa? Nó nghe mắt cay xè.

Đến dãy nhà trọ khi trời vừa hửng sáng. Nam đã thấy Thủy và mấy thằng bạn cùng phòng tề tựu đầy đủ trước cửa phòng.

- “Đây là quà của bọn con gái chúng em gởi anh. Hổng được mở ra bây giờ, về phòng mới được coi”, Thủy lém lỉnh tuyên bố.

- “Còn một món quà nữa tụi tao để trong phòng rồi ,“bí mật” chút biết”, thằng An thêm lời.

Nói xong, cả bọn giục Nam mở cửa phòng mình. Cửa mở, Nam thoáng giật mình khi thấy chiếc xe đạp của mình đi cầm mấy bữa nay nằm gọn trong góc phòng. Gói quà nhỏ của bọn con gái được mở ra, trong đó là số tiền hơn hai triệu đồng được xếp thẳng.

- “Nam ơi, cho dì bảy gặp chút xíu”, tiếng bà chủ nhà trọ vội vã rồi bước vào phòng.

- “Nè, chắc bây ngạc nhiên lắm phải hôn? Nghe tụi nhỏ kể chuyện mầy, tao thấy “chua” quá, nên bàn với xấp nhỏ thôi tao miễn tiền phòng trọ cho mấy đứa sáu tháng. Tụi nó đề nghị tiền đó dùng trả nợ cho mầy, mà tụi nó chưa có tiền nên tao chơi “sộp” ứng trước luôn! Ê, nhớ từ bỏ cái vụ đó nghe mầy”, Tiếng dì bảy cười phấn chấn.

- “Còn chiếc xe đạp... Sao... Sao...”, Nam ngập ngừng.

- Trăng sao cái nỗi gì con ơi! Con Thủy nó mới lãnh học bổng sinh viên xuất sắc dành cho người dân tộc, nó chuộc xe cho mầy đi học đó. Tội con nhỏ ghê chưa.

Nam đưa mắt nhìn sang Thủy với bao vẻ vừa biết ơn, vừa ân hận. Thủy cũng bối rối đưa đôi mắt buồn u ẩn nhìn ra con hẻm dẫn vào xóm sinh viên đang bắt đầu hửng nắng. Với Nam, cái xóm trọ nghèo nầy hôm nay sao thật gần gũi, thân thương và đáng nhớ đến dường nào.