Cứ gọi ta là lão già cũng được. Vì sao ta thọ thế, có lẽ chính ta phải đi hỏi mùa Xuân, sao ban cho ta nhiều nhựa sống đến thế. Vì cổ thụ mà ta thích bọn trẻ. Nhìn dáng vẻ cô Hiên kia thì biết đang lúng túng. Lúc nãy suýt nữa Hiên đã sơ ý, đặt túi nilong ở mép hồ, nếu không có Thản. Bây giờ cô vẫn cầm trong tay.
- Em nghe mọi người nói về anh, người tình nguyện làm sạch môi trường.
- Có gì đâu, anh chỉ học theo các cụ xưa thôi. Năm nay nhà Hiên đón Tết to không?
Câu hỏi khá ngộ của Thản khiến Hiên bật cười. Cô nghe em gái kể về việc làm của Thản rồi. Người thành phố ăn nên làm ra, giàu có nhưng không phải ai cũng có ý thức gìn giữ môi trường. Thả cá là thả luôn túi xuống hồ. Mấy năm qua cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo, Thản tình nguyện ra bờ hồ làng Trong nhắc nhở người dân không xả tro, túi nilong ra môi trường. Nhờ Thản mà hồ xanh. Điều đó khiến ta vui. Con người phải cộng sinh chứ. Cứ như ta đây, ngày nào mà chim chóc chẳng thoải mái nô đùa. Ta cứng cáp, tuổi cao, nhưng lòng ta trẻ và nhân từ, nên những nàng ca sĩ của thiên nhiên bao mùa nương nhờ bóng ta, cứ như đám trẻ đùa bên ông. Chính tuổi thơ của Thản cùng đám trẻ con trong khu đã lớn lên dưới bóng ta. Giờ ta cao lớn sừng sững, vẫn dâng đời trái ngọt, được phụng dưỡng để có sức sống bền bỉ. Ta yêu mảnh đất này.
Hiên tỏ vẻ thắc mắc, sao giờ này Thản vẫn nhẫn nại ở đây? Cô nhắc: “Anh về nghỉ thôi”. Thản bảo: “Chừng tiếng nữa mình sẽ về”. Hiên gật đầu, cô xin phép về trước. Thản nói tạm biệt. Lúc cô quay bước còn thấy khuôn mặt Thản lấp lóa ánh đèn.
***
Khu vườn của gia đình rộng nhất vùng đất bãi, với hơn nửa héc-ta trồng cây ăn quả và hoa lan. Mấy năm nay chim trời về làm tổ, Thản thưa với ông nội, hãy trồng điểm thêm bạch đàn, keo, xà cừ làm chỗ cho cò đậu. Vạt cây ven sông kia cũng sẽ được trưng dụng làm chỗ cho chúng trú ngụ. Đất lành chim đậu mà. Ta cùng những cái cây khác hoan hô chàng trai.
Thản từng chạy theo mốt, đua với đám thanh niên Hà thành chơi chim vành khuyên. Bọn họ lọc lõi sưu tầm những chú vành khuyên đực giọng có lửa, lông màu rêu, giọng hót đáng giá ngàn vàng. Thản bỏ bê vườn lan cho ông và em gái chăm sóc. Anh ta cũng chẳng thèm để ý đến người con gái mà gia đình gán ghép đang học ở tận đẩu tận đâu. Tên là Hiên thì phải. Quan trọng nhất lúc này là những trò tiêu khiển. Anh hăng máu còn cắm sổ đỏ của gia đình, lấy tiền mua vành khuyên. Đám bạn rủ rê Thản cuốn vào những cuộc thi chim đầy tốn kém, nên còn một ít tiền, anh ta dồn mua hai con vành khuyên được tiếng giá trị nhất vùng. Chúng được tung hô là “giọng ca vàng”, lại có thể chọi tranh tài với nhiều kẻ chơi khác. Thản mím môi hy vọng. Thản tổ chức mời bạn bè nhậu tưng bừng chúc mừng, động viên. Người chơi chim đẳng cấp là người sở hữu chú chim có giọng hót vô địch.
Khi dãi chim, giọng hai con vành khuyên như oanh như ngọc. Chúng được luyện kỹ trước ngày tỉ thí. Trước khi đi Thản còn đặt lồng dưới gốc nhãn ta. Gió thổi, chim hót. Ta thấy hai con chim quý tội nghiệp bị nhốt trong lồng đẹp. Chúng đã chẳng giúp Thản làm vương làm tướng. Vào cuộc cả hai đờ đẫn, chậm chạp như bị rút hết sức sống và cắt mất lưỡi. Thản hét lên: Nào hót đi, ca đi. Thản thất bại thảm hại trong cuộc thi. Anh ta chán ngán thất vọng, nhưng vẫn cố gằn giọng: Nào, hót lên đi! Cả hai vẫn đờ đẫn.
Anh dìm mình vào một trận rượu say hai ngày mới tỉnh, rồi bật khóc vì mình đã mải mê thi thố mà quên vườn lan của gia đình. Ông nội bảo cháu hãy ở nhà, vì hoa. Thản nhốt mình một tuần ở nhà để nghĩ, rồi quyết ở nhà không chơi nữa. Vài tháng sau chim cò về vườn gia đình trú ngụ, mỗi lúc một nhiều. Gia đình mừng khôn xiết, mừng vì chính Thản trở lại là mình sau cú vấp ngã, mừng vì chim trời về báo hiệu đất lành. Có người nói ở những vùng quê khác chim cò bị săn bắt, nên chúng tìm về ngoại ô thành phố sống nương nhờ những tán cây. Cò liệng trên cả tán nhãn. Ta trìu mến đón chim trời đậu lại. Năm mươi năm trước vùng đất này còn rậm rạp, cây cối nhiều, từng là chốn nương tựa của bầy chim trời. Khi vệt bom B52 rải thảm năm “bẩy hai”, vùi lấp nhiều nhà cửa, tàn phá nhiều cây cối, thì chim trời cũng di cư nơi khác. Bản thân ta ngày đó bị mảnh bom vạc vào người, vết thương giờ còn đó.
Ngày xưa Thản săn bắt chim, nay thay đổi, lại còn dang tay cưu mang bầy chim, điều đám thanh niên trong phố không làm. Ta mừng. Nhóm bạn nhậu ngày trước được anh vận động bảo vệ chim, thì chín người đã “tuân lệnh”! Hôm qua họ đón lõng, tóm cổ được hai học sinh bắt cò, nhắc nhở lần sau không được thế, rồi thả. Ta hả hê cười.
Sau ngày cúng ông Táo, phố xá đã tấp nập khí Xuân, dù rét vẫn đượm. Ngoài vườn những cái mầm lấp ló chào đời. Đào quất bung nở. Hiên cùng chị gái đi chợ. Họ gặp Thản đi mua đào. Xuân nở trên tay Thản. Mẹ Hiên nhìn thấy cảnh cô cậu nói chuyện với nhau. Lúc con gái về, bà hỏi: “Con có ấn tượng với anh ta à? Mẹ anh ta cũng từng nói với mẹ là muốn con làm con dâu”. Hiên quay đi. Mái tóc của Thản làm cô nhớ Vững. Hồi ở trường đại học, Vững là sinh viên xuất sắc nhưng cứng nhắc, cái gì cũng nguyên tắc quá. Thời Xuân xanh yêu nhau, đàn ông phải chiều phụ nữ, gă lăng, đằng này... Mối tình đầu xa thật xa. Khi ấy Hiên đã biết Thản. Những bức thư tay, thư điện tử em gái gửi thường nhắc về Thản. Cha mẹ không biết điều này. Chẳng hiểu sao lúc đó cô lại thường hỏi em gái về cái anh chàng mê đấu chim. Giờ gặp, anh và cô vẫn “phòng không”. Theo mô tả của em gái thì vóc dáng Thản thay đổi nhiều. Thôi, anh cứ làm việc của anh đi, tôi sẽ có đường đi của đời mình, Hiên nghĩ.
***
Ngày 28 tháng chạp, đám thanh niên khu phố bên kia tìm cách bắt cò làm thịt, ăn tất niên. Thản và hai người bạn chặn lại. Bọn trai tóm được một xâu cò cỡ gần hai chục con. Chúng đã phục từ sáng sớm khi cò chưa đi kiếm ăn. Bọn chúng cự cãi, thành ra to tiếng. Chị em Hiên chạy đến. Thản hùng dũng, thái độ dứt khoát: “Các cậu không có quyền. Đây là đất nhà tôi, cán bộ phường cũng đã khoanh vùng, ủng hộ việc bảo vệ chim trời”. Đám thanh niên chẳng vừa: “Chúng tao bắt ở ngoài bãi. Đó không phải đất nhà mày. Vả lại đây là chim trời, ai bắt được thì cứ việc, mày đâu có nuôi mà giữ”. Thản từ tốn: “Các cậu thật vô lý. Tôi bảo vệ chim trời cũng là cái chung. Việc này được chính quyền bảo hộ, cũng tuyên truyền ra rả trên loa truyền thanh. Vườn cò này không ai được đụng vào”. Đám thanh niên xăm trổ vung gậy, rồ ga máy tiến thẳng vào chỗ Thản và hai người bạn đứng chặn. Thản bị đâm ngã, trẹo xương cánh tay phải đưa vào viện băng bó. Ba trong số chín thanh niên trộm cò bị bạn của Thản và người dân bắt giữa, giao chính quyền. Chiều ấy cán bộ phường đến tận viện cảm ơn Thản. Hiên cũng muốn đi. Cuối năm Tết nhất, người ta lo sắm sửa đồ đạc, anh đứng ra bảo vệ cò vạc, thành ra bị thương. Nghĩ thương. Hôm sau Thản được về. Hiên lại đến. Bà con khu phố cũng kéo đến. Cụ Am hàng xóm bảo, sẽ cùng hội người cao tuổi kiến nghị chính quyền có cách bảo vệ cương quyết. Làng đã lên phố. Phố phường cũng lên quận. Đô thị hóa nhiều mà chim trời vẫn về, chứng tỏ phường được “lộc giời”. Nếu không đứng ra bảo vệ, thì chim trời biết nương tựa vào đâu?
Thản xin vâng. Cụ Am nói quá đúng. Anh thưa: “Ngay khi ăn tết xong, con mời cụ cùng con đi kiến nghị ạ!”.
***
Mồng Tám tháng Giêng, làng vào hội. Hội làng trong phố. Cờ quạt trang hoàng. Ta hân hoan trong tiết Xuân nõn. Thản vẫn phải bó bột. Nhưng bên anh lúc này có Hiên. Từ buổi tối gặp ở bên hồ, những dòng tin nhắn và những câu chuyện của Thản khiến cô thấy lạ. Cô không biết đó là cảm giác gì, chỉ biết là khi gặp anh, cô thấy vui. Rất vui. Như hôm qua, cô mơ thấy những gương mặt cò xòe cánh trắng trong bầu trời Xuân. Cô thấy như cả mặt của Thản ở trong đó.
Cữ cuối chiều, Thản mời Hiên về nhà mình. Anh dẫn cô ra vườn. “Chúng ta đi gặp cò vạc nhé”. Lúc này cò đi kiếm ăn về tổ. Chúng lượn một hồi trên nền trời, rồi đậu lên những ngọn cây. Thản chỉ: “Kìa chúng về nhiều, đẹp quá! Lại còn đậu cả trên cụ nhãn ở đầu làng nữa”. Nụ cười Hiên tỏa nắng. Cô gặp anh, gặp cò, những chồi non mà thấy mình như đang gặp một mùa Xuân ấm chưa từng có trong đời.
Nào lá non, nào gió Xuân, hãy hát khúc ca chúc mừng. Nhãn cổ thụ, cũng thấy trẻ ra chục tuổi.