Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Nâng tầm giá trị truyền thống, văn hóa Thủ đô

Công Trình (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất dẫn nước sông Hồng làm sạch Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội không chỉ có tính khoa học mà còn có tính thực tiễn rất cao.

 TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm xung quanh đề xuất cải thiện môi trường sông, hồ Hà Nội bằng nước sông Hồng.
Ông đánh giá thế nào về đề xuất dẫn nước sông Hồng để bổ cập nước Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch mà ngành thoát nước Hà Nội đang trình TP?
- Đầu tiên phải khẳng định, đây là đề xuất không chỉ có tính khoa học mà còn có tính thực tiễn rất cao. Nói như vậy là bởi, đề xuất này hoàn toàn phù hợp với quy hoạch, chiến lược bảo vệ môi trường, gắn liền với bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và một số khu vực quan trọng, trong đó có Hồ Tây.
Và, nếu được triển khai, nó không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, làm sạch không khí, làm sạch dòng nước… mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng tầm giá trị truyền thống, văn hóa của Hà Nội nói chung và khu vực Hồ Tây, sông Tô Lịch nói riêng - nơi đã gắn liền với những sự kiện lịch sử, truyền thuyết và đi vào thơ ca, văn học nghệ thuật.
Nhiều ý kiến lo ngại về mức độ phù sa của sông Hồng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước Hồ Tây, ông đánh thế nào về vấn đề này?
- Câu chuyện về lượng phù sa ở sông Hồng từ trước đến nay đã trở thành một trong những vấn đề làm đau đầu các chuyên gia, nhà khoa học mỗi khi bàn đến để khai thác sông Hồng. Nói như vậy để thấy, sự lo lắng của các chuyên gia cũng có cái lý riêng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lượng phù sa trên sông Hồng đã giảm đáng kể so với cách đây khoảng chục năm. Bên cạnh đó, trong đề xuất này, ngành thoát nước đã nêu phương án xây dựng bể lắng phù sa trước khi đưa nước vào Hồ Tây - biện pháp đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng và đem lại hiệu quả trong thực tiễn. Song, vấn đề ở đây là chúng ta cần tính toán nguồn lực, trữ lượng nước của Hồ Tây, thời điểm chuyển tải nước, đồng thời phải đảm bảo khi nước đã chảy vào Hồ Tây sẽ không chịu tác động của phù sa.
Vậy theo ông, biện pháp này đã đủ sức hồi sinh sông Tô Lịch chưa?
- Thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã cho triển khai thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản, chế phẩm Redoxy 3C của châu Âu. Sau một thời gian thực hiện thí điểm, những công nghệ, chế phẩm này đã đem lại những hiệu quả nhất định. Song, để tìm ra được một giải pháp bền vững thì chúng ta cần cân nhắc kỹ nguồn lực kinh tế.
Với giải pháp dẫn nước sông Hồng vào làm sạch Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ tạo ra nguồn nước đều đặn, không ảnh hưởng đến diện mạo, bề mặt dòng chảy. Tuy nhiên, để việc hồi sinh sông Tô Lịch đem lại hiệu quả bền vững, điều quan trọng nhất là phải tách được nguồn nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng xuống sông, tức dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành và đi vào hoạt động.
Như ông đã nói, để tìm ra được một giải pháp bền vững cần cân nhắc nguồn lực kinh tế, vậy chúng ta nên triển khai dự án này bằng nguồn vốn nào?
- Đối với dự án này, chúng ta có thể kết hợp giữa nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa. Thậm chí, với những lợi thế cảnh quan, giá trị lịch sử của Hồ Tây, sông Tô Lịch… chúng ta hoàn toàn có thể kêu gọi sự đầu tư từ các DN xã hội hóa. Vấn đề ở đây là cơ chế chính sách như thế nào cho phù hợp. Do đó, TP cần có những nghiên cứu cụ thể, rõ ràng hơn để vừa thu hút được nguồn vốn, tạo điều kiện cho các sự phát triển du lịch, giao thông, kinh tế, tạo ra một không gian sáng tạo… trên dọc dòng sông Tô Lịch.
Xin cảm ơn ông!