Ngay sau khi trở lại cầm quyền, ông Mahathir đã đề nghị và được chấp thuận ân xá cho ông Ibrahim. Khi vận động tranh cử, ông Mahathir đã cam kết chỉ nhiếp chính thời gian ngắn và sau đó chuyển giao quyền bính cho ông Ibrahim - khi đó vẫn còn ngồi tù. Theo luật pháp hiện hành ở Malaysia, người đứng đầu Chính phủ phải là dân biểu Quốc hội. Bây giờ, một dân biểu thuộc phe cầm quyền của ông Mahathir từ chức để tiến hành bầu cử bổ sung và như thế mở đường cho ông Ibrahim ứng cử. Không ai ở Malaysia hoài nghi về việc ông Ibrahim sẽ đắc cử. Sau khi được bầu vào Quốc hội, ông Ibrahim đáp ứng được đầy đủ mọi điều kiện cần thiết để trở thành Thủ tướng mới của Malaysia và sẽ kế nhiệm ông Mahathir.Kịch bản quyền lực và lộ trình thực hiện ấy không có gì là bí mật ở Malaysia. Dù vậy, nó vẫn rất độc đáo và đặc biệt ở lịch sử mối quan hệ giữa cá nhân ông Mahathir và ông Ibrahim. Thời ông Mahathir trị vì Malaysia trước đây, ông Ibrahim cũng như Thủ tướng Malaysia sau này Razak Najib đều là cộng sự thân cận của ông Mahathir, đều được ông Mahathir gây dựng và sủng ái. Nhưng rồi ông Ibrahim bị thất sủng và sau đó ông Najib lên được tới đỉnh cao của quyền lực. Từ bạn và cộng sự, ông Mahathir và ông Ibrahim trở thành kẻ thù chính trị của nhau. Nhưng khi vấn đề đặt ra là hạ bệ quyền lực của ông Najib, ông Mahathir và ông Ibrahim lại tìm đến nhau, liên danh liên kết thành liên minh chính trị mới và kẻ thù chính trị của nhau khi xưa giờ lại trở thành đồng hành của nhau. Những xoay trục chuyển chiều thái quá như thế khiến thiên hạ không thể hoài nghi việc hai điều liên quan đến tương lai của Malaysia. Thứ nhất, câu hỏi về sự ổn định lâu bền của chính phủ và phe cầm quyền hiện tại. Thứ hai, câu hỏi ông Ibrahim sẽ kế thừa cương vị quyền lực nhưng có kế thừa quan điểm chính sách của ông Mahathir hay không.