Những khó khăn trong vấn đề kêu gọi kinh phí tu bổ di tích đã được các đại biểu thẳng thắn bày tỏ. Đặc biệt là việc triển khai chính sách khuyến khích huy động các nguồn lực đóng góp cho công tác xây dựng và phát triển văn hóa.
Chật vật huy động kinh phíTại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Doãn Văn – Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã cập nhật vấn đề xuống cấp của chùa Hoàng Kim (chùa Một Mái) ở huyện Quốc Oai đang mòn mỏi chờ thủ tục tu bổ. Theo ông Văn, ngay sau khi báo Kinh tế & Đô thị thông tin về tình trạng xuống cấp của ngôi chùa, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các cơ quan quản lý có biện pháp tháo gỡ cho quá trình tu bổ vì đây là ngôi chùa có giá trị, thuộc quần thể di tích chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn. Thế nhưng, thực tế tình trạng xuống cấp của ngôi chùa đã diễn ra vài năm nay, cơ quan quản lý đều hay biết và “bó tay” vì thiếu kinh phí tu bổ.
|
Chùa Hoàng Kim (Quốc Oai) mòn mỏi chờ kinh phí tu bổ. Ảnh: Minh Phúc |
Tình trạng thiếu kinh phí tu bổ di tích không chỉ diễn ra ở chùa Hoàng Kim, mà ở rất nhiều các huyện ngoại thành như Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất… Hàng tháng, trên báo Kinh tế & Đô thị đều có những bài báo phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của từng ngôi đình, đền đã được xếp hạng. Đình Thần Quy (huyện Phú Xuyên) là một ví dụ điển hình. "Dù đã được các phương tiện truyền thông lên tiếng “kêu cứu”, nhưng suốt hơn một năm qua, địa phương cũng chỉ bố trí được vài trăm triệu đồng đầu tư chống sập cho ngôi chùa” – ông Nguyễn Doãn Văn bày tỏ.
Sau khi Luật Thủ đô được ban hành, Hà Nội đã chủ động đa dạng các nguồn đầu tư (kinh phí cấp T.Ư, cấp TP, cấp huyện và huy động xã hội hóa) để bảo tồn kho tàng di sản lớn nhất cả nước. Nhưng tại một hội nghị mới đây, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho rằng: Nguồn lực huy động xã hội hóa cho công tác tu bổ chỉ tập trung vào một vài di tích được thổi phồng yếu tố tâm linh. Đối với các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, đình, đền… vẫn phải dựa chủ yếu vào nguồn đầu tư của ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư của TP thì có hạn. Mùa mưa bão này, rất nhiều di tích có nguy cơ sập, đổ.
Đa dạng hóa nguồn đầu tưTại buổi tọa đàm lần này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tống Thị Thanh Nam cũng đã bày tỏ mong muốn ngành văn hóa Thủ đô rà soát lại các danh mục di sản cần phải bảo tồn, từ đó đề xuất các giải pháp và cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho công tác giữ gìn và bảo tồn. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, các đại biểu cho rằng địa phương sở hữu các di sản có giá trị lớn cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn. Bà Bùi Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho rằng, kêu gọi Nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động, cùng chung tay tu sửa di sản cũng là một hình thức cần phát huy.
“Với di tích quốc gia đặc biệt như Văn Miếu – Quốc Tử Giám kêu gọi tiền tu bổ bằng ngân sách xã hội hóa là điều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã huy động được cộng đồng xung quanh di tích cùng có trách nhiệm bảo tồn, đó là việc bỏ thói quen dắt chó, phóng uế rác thải… trên các vỉa hè xung quanh Văn Miếu. Cách thức huy động ở đây không chỉ là tiền nhưng mang lại giá trị rất quan trọng cho việc giữ gìn di sản, nâng cao chất lượng đón khách. Ngoài ra, tại Hồ Văn – nơi bao năm được mệnh danh là di tích “ngủ yên”, từ khi có sự tham gia liên kết tổ chức sự kiện của các công ty tư nhân, di sản được hồi sinh để thấy hiệu quả của cách hình thức huy động nguồn lực” – Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết.
Hà Nội với 5.928 di sản vật thể và hơn 1.700 di sản phi vật thể sẽ cần rất nhiều kinh phí đầu tư tu bổ để bảo vệ. Chính vì vậy, hiện thực hóa Luật Thủ đô là không chỉ trông chờ vào nguồn tiền đầu tư của Nhà nước, mà từ quy định đó để gợi mở ra các giải pháp “cấp cứu” cho di sản.