Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự chủ đại học, các trường không được lạm thu!

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các trường đại học (ĐH) thực hiện tự chủ về học phí nhưng vẫn phải theo quy định của nhà nước; người học có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận ĐH, tiến tới thu học phí ĐH theo định mức kỹ thuật.

Những vấn đề này đã được đặt ra tại tọa đàm “Tự chủ ĐH: Nâng cao chất lượng đào tạo” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 9/9.
Nhiều học sinh và phụ huynh tìm hiểu về các ngành nghề, cơ hội việc làm khi học trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc
Công khai học phí cả khóa học
Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) sửa đổi có hiệu lực đã tạo hiệu quả cao hơn trong hoạt động đào tạo cũng như môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên. Tuy nhiên, dư luận, đặc biệt sinh viên quan tâm đến mức học phí của các trường ĐH tự chủ.
Trước những băn khoăn này, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội (BKHN) Hoàng Minh Sơn cho biết, Luật GD ĐH sửa đổi đã nói rõ các trường ĐH tự chủ được quyết định học phí. Các trường vẫn phải cân nhắc mức thu học phí thế nào vừa đảm bảo nâng cao chất lượng và người học lại có cơ hội tiếp cận học ĐH.
Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, thực tế, trường BKHN thực hiện thí điểm tự chủ từ mấy năm nay. Cho đến nay, nhà trường ổn định mức thu học phí. “Trước đây, ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cho trường BKHN ây chỉ khoảng 20%  vì thế việc nâng học phí là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng tôi nâng học phí có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả của người học ở các vùng quê khác nhau.
Chúng tôi có các chương trình có mức học phí khác nhau để sinh viên lựa chọn. Bên cạnh đó, trường có chính sách học bổng, để khả năng tiếp cận học ĐH của người học ở các gia đình khác nhau không bị giảm đi” - PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho hay.
Cùng câu chuyện về học phí trường ĐH tự chủ, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân (KTQD) Phạm Hồng Chương cho biết: Đến nay chúng tôi vẫn thực hiện theo tinh thần của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Mức thu học phí được nhà trường công bố công khai, minh bạch cho toàn khóa học. Ví dụ, năm nay chương trình ĐH chính quy có mức học phí 15 - 18,5 triệu đồng/1 năm. Nhà trường cam kết mức tăng không quá 10% nhưng năm nay chỉ nâng khoảng 5%.
Trường ĐH KTQD cũng cam kết với người học có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có tài năng, học giỏi và khao khát học được tạo điều kiện thực hiện ước mơ bằng chính sách học bổng. “Những sinh viên thực sự khó khăn được cấp học bổng tài năng cho cả khóa, mỗi năm  40 - 50 triệu đồng đủ chi trả học phí và sinh hoạt phí” - ông Chương nhấn mạnh.
Học phí thu theo lộ trình tính đúng, tính đủ
Thực tế, khi tự chủ, các trường ĐH sẽ có những định hướng phát triển chất lượng, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất… Nhiều lo ngại rằng tất cả việc này sẽ đổ dồn vào học phí, đẩy học phí tăng cao.
Các trường ĐH tự chủ tài chính nhưng vẫn phải đảm bảo cho người học cơ hội tiếp cận học ĐH. Ảnh: Thủy Trúc
Phản hồi vấn đề này, ông Minh Sơn cho biết: Trong thời gian hiện tại, không phải các trường tự chủ thì nhà nước cắt đầu tư, mà vẫn có. Hơn nữa, học phí của sinh viên đóng góp chưa phải 100% cho chi phí đào tạo mà chỉ là một phần cho chi phí thường xuyên, cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho giảng dạy, thí nghiệm thực hành. Còn đầu tư cho cơ sở vật chất lớn hơn, phòng thí nghiệm nghiên cứu thì từ nguồn nhà nước và thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khác.
“Tôi cho rằng phải làm sao để người học thấy rõ sự đầu tư của mình được nhà trường góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Khi xã hội nhìn nhận thấy rõ sự đóng góp của người học đầu tư vào đâu họ sẽ đồng thuận” - ông Sơn nêu ý kiến. Còn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu đạt đẳng cấp quốc tế, không thể chỉ học phí mà đầu tư nhiều vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng, Luật GD ĐH sửa đổi đã quy định nhà nước đầu tư cho các trường thông qua cơ chế cạnh tranh, đặt hàng, giao nhiệm vụ. Vì thế, các trường ĐH thực hiện tự chủ hy vọng cơ chế này sớm được thực hiện để nâng cao thành tích trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Trước lo lắng, các trường ĐH công lập thực hiện tự chủ bị áp lực tăng thu do ngân sách giảm cấp kinh phí, có thể dẫn tới thu vượt, thu sai quy định, lạm thu, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT phản hồi: Mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh hay các khoản khác đã được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Đối với các cơ sở GD ĐH thí điểm tự chủ, thực hiện thu học phí theo quyết định của nhà nước đã quy định cho mỗi trường.
Tuy nhiên, tại Luật sửa đổi GD ĐH và sắp tới là nghị định hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực: Các cơ sở GD ĐH công lập, thực hiện theo điều quy định 65 của luật này. Các cơ sở GD ĐH đáp ứng khoản 2, Điều 32 của luật, đồng thời tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên của mình sẽ được tự chủ mức thu học phí.
Cơ sở GD khác, mức thu học phí theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, tất cả việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kỹ thuật theo lộ trình tính đúng tính đủ.