Tuy nhiên, khi phân tích sâu, giới chuyên gia cho rằng, tái cơ cấu đầu tư công (ĐTC) đang thể hiện nhiều nhược điểm làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Tại Hội thảo "Tái cấu trúc và đánh giá hiệu quả ĐTC ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đều nhận định, quá trình tái cơ cấu cả ba thành phần trong tái cơ cấu ĐTC gồm: Đầu tư từ ngân sách, tín dụng đầu tư và đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đều đang thể hiện nhiều hạn chế. Trong đó, vốn ngân sách đầu tư thường được phân giao cho các DNNN, các tổ chức ngân hàng, DN thực hiện đầu tư và các cơ quan Nhà nước. GS Nguyễn Quang Thái - Trưởng ban Kinh tế, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam - cho rằng, dù ngân sách có nguồn thu chủ yếu là thuế của người dân nhưng mọi khâu từ chuẩn bị đầu tư đến thi công, đưa vào sử dụng…, người dân được "biết" rất ít, khó có điều kiện luận bàn, lại càng khó kiểm tra. Trong khi, nếu công trình thiếu hiệu quả, đối tượng gánh chịu chính là người dân. Điều đáng nói, các dự án trực tiếp liên quan đến phát triển xã hội còn ít.
Đối với các khoản tín dụng liên quan đến vốn công, Quốc hội mới chủ yếu quản lý các khoản tổng thể mà chưa thể giám sát được những dự án cụ thể dẫn tới nhiều công trình có vốn đầu tư lớn nhưng thiếu phân kỳ, nên hiệu quả đầu tư hạn chế. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế tại hội thảo này cũng chỉ ra một thực tế là các tập đoàn kinh tế trong giai đoạn "thử nghiệm" nhưng đã quá lâu mà chưa có tổng kết đầy đủ về hiệu quả kinh doanh, gây không ít lúng túng trong công tác quản lý. Việc quản trị các DNNN và quản lý đầu tư ngoài ngành dù đang được rút kinh nghiệm, nhưng giải pháp đưa ra vẫn khá… luẩn quẩn. Trong đó, một số DNNN tiến hành thoái vốn có nguy cơ rơi vào tay DN nước ngoài. Bàn về các giải pháp tăng hiệu quả ĐTC tại Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định: Khoảng một nửa trong ĐTC là vốn NSNN, nên tái cơ cấu ĐTC cần gắn chặt với cơ cấu lại NSNN, cả từ góc độ nguồn lực cũng như sử dụng vốn. Do đó, để hạn chế ảnh hưởng của DNNN với ĐTC, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, cấp thiết cần phải có chính sách mạnh mẽ rút bỏ ngân sách "mềm" khỏi các DNNN. Với những DNNN làm ăn thua lỗ, không trả được nợ đã đến lúc phải cương quyết cho phá sản và giải thể, thay vì lấy tiền ngân sách hỗ trợ. "Việc loại bỏ ngân sách "mềm" sẽ tạo tín hiệu rõ ràng cho các DNNN còn lại phải làm ăn nghiêm túc, ngăn chặn hiệu ứng tiêu cực của các DNNN yếu kém trong cả nền kinh tế.
Để tăng hiệu quả công tác giám sát, đánh giá ĐTC, một giải pháp mấu chốt là sớm ban hành Luật ĐTC và các văn bản hướng dẫn thi hành sau khi Quốc hội thông qua, như Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn và Nghị định thay thế Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư, nhằm tăng cường kỷ cương thanh tra, giám sát, chế tài các dự án đầu tư. Đồng thời, cần xây dựng tiêu chí cụ thể hơn về đánh giá hiệu quả các dự án ĐTC, trong đó tập trung giám sát các dự án quy mô lớn. TS Đặng Đức Anh Vụ Tài chính tiền tệ (Bộ KH&ĐT) |