Để tiếp nối những niềm vui ấy, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp cụ thể, quan tâm, hỗ trợ các gia đình sinh hai con gái, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Những trẻ em gái vươn mình, bứt phá trong học tập dù gia cảnh nghèo khó
Tại một số địa phương như quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng và huyện Thạch Thất, nhiều năm nay có các trẻ em gái chăm ngoan, vượt khó, học giỏi. Mặc dù hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế khác nhau nhưng các gia đình ở những địa phương này vẫn luôn vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc.
Vốn không được may mắn như những gia đình khác, hoàn cảnh kinh tế gia đình chị Từ Thị Bẩy và anh Vương Văn Luận ở tổ dân phố Nguyên Xá 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vấp phải nhiều khó khăn. Cũng bởi anh Luận bị bệnh tâm thần phân liệt. Chị Bẩy cũng ốm đau liên miên nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn nhưng em Vương Thị Ngọc Lan (học sinh lớp 9, trường THCS Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) và em gái luôn được mẹ động viên học tập và liên tục đạt học sinh giỏi.
Là chị cả trong nhà nên em Lan rất gương mẫu, chăm ngoan, học giỏi, làm gương cho em gái út học lớp 5 cùng phấn đấu học tốt. Ngoài giờ học, 2 chị em đều phụ giúp mẹ làm may để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
“Vợ chồng tôi sức khỏe có hạn, chồng tôi bệnh tật. Tôi cũng ốm liên miên. Dù vậy, hai vợ chồng luôn bảo nhau, 2 con gái cũng được, cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn để sau này các con không phải vất vả như bố mẹ”- chị Bẩy chia sẻ.
Đến thăm gia đình em Phạm Thị Trang, học sinh lớp 9A, trường THCS Hương Ngải, huyện Thạch Thất học giỏi toàn diện nhưng hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Giường ngủ của cả gia đình cũng là góc học tập quen thuộc của Trang hàng ngày.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình khi bà nội đau ốm thường xuyên hết tuổi lao động. Bố Trang là nhà con một trong gia đình nhưng bị bệnh thần kinh bẩm sinh, không đi làm được. Mẹ Trang làm ruộng, làm thuê và cũng là lao động chính, nuôi cả gia đình.
Nên 2 chị em gái Trang bảo nhau phấn đấu, quyết tâm học thật tốt để sau này có việc làm ổn định, giúp đỡ gia đình. “Với tôi, con gái, con trai đều như nhau, cứ các cháu vui khỏe, học giỏi là tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi không mong ước gì hơn” - bà Phí Thị Nguyệt (bà của Trang - xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ với Trang, em Vũ Thu Huyền, học sinh lớp 11A1, trường THPT Thạch Thất tuy có hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi bố bị ảnh hưởng chất độc da cam, mẹ làm nông nghiệp, gia đình có 2 chị em là gái. Nhưng những năm qua, Huyền luôn hăng hái trong học tập, em là học sinh giỏi đội tuyển khối Tự nhiên của nhà trường.
Đặc biệt, Huyền luôn hòa đồng, được bạn bè yêu quý, tham gia các hoạt động thể thao của nhà trường. Đây cũng là môi trường top đầu trong dạy tốt và học tốt của huyện và cụm Thạch Thất, Quốc Oai.
Thầy giáo Vũ Đức Vượng - Hiệu trưởng trường THPT Thạch Thất cho hay: “Trường THPT Thạch Thất luôn quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các trẻ em gái. Đối với học sinh Vũ Thu Huyền có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhà trường rất quan tâm, tạo điều kiện hết sức cho học sinh.
Nhà trường sẽ kêu gọi các trung tâm tiếng Anh hỗ trợ các suất học bổng cho học sinh Vũ Thu Huyền để em học tốt hơn vì đây là học sinh có năng khiếu học tiếng Anh. Ngoài học sinh Vũ Thu Huyền, trường cũng quan tâm đến nhiều trường hợp khác có hoàn cảnh khó khăn tương tự”.
Đồng bộ các giải pháp, từng bước giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Những gương sáng trên chỉ là 3 trong số hàng trăm gia đình sinh 2 con gái có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Phan Kiều Anh - cán bộ chuyên trách dân số phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường có 30.870 dân số đang quản lý, hiện tại, số cặp vợ chồng sinh con 1 bề cả trai và gái là 570 cặp, gái là 278 cặp. Tỷ lệ giới tính khi sinh là 108 trẻ trai/100 trẻ gái.
Để từng bước giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phường Minh Khai đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường biện pháp chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Mặt khác, phường đã có nhiều hoạt động tuyên truyền chính sách dân số đến từng hộ dân, thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho trẻ em gái, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ. Cùng với đó, 31 cộng tác viên dân số ở 13 tổ dân phố đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền về chính sách dân số, tạo điều kiện cho bé gái phát triển toàn diện.
Thông qua các hoạt động trên, việc thực hiện các mục tiêu dân số trên địa bàn phường đã đạt được kết quả tích cực. Số sinh con thứ 3 trở lên giảm còn rất ít. 9 tháng đầu năm 2023 là 6 trẻ, phường đạt mức sinh thay thế.
Liên quan đến vấn đề này, Quyền Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban chỉ đạo Công tác Dân số và Phát triển quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, những năm qua, công tác dân số và phát triển trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã dành được nhiều thành tựu đáng kể.
Mức sinh được ổn định, tỷ lệ sinh con thứ 3 được kiểm soát. Tốc độ gia tăng dân số đã chậm lại. Chất lượng dân số từng bước được nâng cao, tỷ số giới tính khi sinh trong 10 năm trở lại đây đã giảm mạnh (từ 116 bé trai/100 bé gái năm 2011 - giảm xuống còn 110 bé trai/100 bé gái (năm 2022).
9 tháng đầu năm 2023, tỷ số giới tính là 109 bé trai/100 bé gái, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn quận đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mức cho phép (mức cho phép là từ 103-107 bé trai/100 bé gái).
Đề cập vấn đề này, Chi Cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết, hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác DS - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.
Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. 9 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh là 112 trẻ trai/100 trẻ gái.
Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động.
Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.
Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các đơn vị, địa phương cần đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua, TP đã triển khai nhiều mô hình tại các địa bàn trên toàn TP. Nhiều hoạt động nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...
“Mặc dù vậy công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều.
Do đó, mục tiêu yêu cầu đặt ra là TP cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng này, đồng thời các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục và có các chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái” - ông Vũ Duy Hưng nhấn mạnh.
Hàng năm, TP tổ chức hàng trăm buổi truyền thông kiến thức sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là trẻ em gái vị thành niên, thanh niên (VTN, TN), tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên.
Truyền thông về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh các trường THCS, PTTH...
Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 năm nay, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn TP, đặc biệt tại Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thạch Thất...
Ngoài ra, các đơn vị tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 tại các trường học, truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…