Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ một câu chuyện ngày hè

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện được nhiều người quan tâm trong những ngày hè oi bức này là Hà Nội có một “bãi biển” – một quãng ven Hồ Tây, mạn đường Quảng An, với rất đông người đến giải nhiệt mỗi buổi chiều, dù tấm biển cảnh báo rành rõ: “Khu vực nguy hiểm. Cấm tắm, bơi lội”.

“Bãi biển” ấy đã tồn tại mấy mùa Hè, thu hút đông đảo cư dân Hà Nội đến vui chơi, chẳng mảy may nghĩ đến chuyện sạch hay bẩn…  
 Người dân Hà Nội 'giải nhiệt' ở Hồ Tây. Ảnh: Phạm Hùng.
Từ câu chuyện ngày hè kia, xin chia sẻ đôi điều suy nghĩ: Một là, Hà Nội quá thiếu bể bơi cho người dân. Chưa ai làm phép thống kê bình quân có bao nhiêu người Hà Nội có một bể bơi, song căn cứ vào thực tế có thể nói số bể bơi trong TP chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là trong những ngày hè nóng nực. Trả lời câu hỏi: Sao không đưa con đến bể bơi, vừa an toàn, vừa sạch sẽ? Một ông bố trẻ đưa cả hai con ra “bãi biển” Quảng An đáp lại bằng hai câu hỏi: Đến bể bơi giờ này còn chỗ không? Nước bể chắc gì sạch hơn nước ở đây?

Có thể ông bố trẻ nọ có chút cực đoan, nhưng phải thừa nhận các bể bơi có giá cả vừa phải (quãng dưới 50.000 đồng/lần bơi khoảng 1 tiếng) không nhiều và luôn trong tình trạng quá tải. Kèm theo đó là chất lượng nước cùng các điều kiện vệ sinh, không phải lúc nào cũng được bảo đảm. Những bể bơi có điều kiện tốt về chất lượng nước, vệ sinh, độ an toàn… thường có giá vé cao. Mà đa phần là bể bốn mùa, bán vé theo tháng, quý, năm… nên không phù hợp với nhu cầu bơi dịp hè của số đông người bình dân.

Hai là, tình trạng rất nhiều người, trong đó có trẻ em đến giải nhiệt tại “bãi biển” tự phát này, gợi lên nỗi lo về tai nạn đuối nước. Dù nhiều người nói khu vực này của Hồ Tây nước nông, nhưng ai lường được những bất trắc, bởi chắc chắn là không phải đứa trẻ nào đến đây cũng biết bơi. Nỗi lo này gợi đến một vấn đề không mới, ấy là việc dạy bơi cho trẻ. Bởi từ lâu, mỗi khi nhắc tới việc phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ, dạy trẻ biết bơi luôn được coi là một trong những phương pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, dù được quan tâm từ lâu với rất nhiều hô hào, kêu gọi, nhưng kết quả vẫn chưa được là bao. Theo Tổng cục Thể dục thể thao, báo cáo sơ bộ từ các địa phương cho thấy, tỷ lệ trẻ em Việt Nam biết bơi hiện dưới 30%. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là thiếu điều kiện để dạy bơi cho trẻ, mà Hà Nội là một ví dụ.

Có thể nói, tình trạng thiếu bể bơi dẫn đến việc thiếu cơ sở dạy bơi cho số đông trẻ em. Nhấn mạnh từ “số đông” là bởi chỉ cần gõ từ khóa “lớp học bơi cho bé” là có thể nhận được những lời mời chào hấp dẫn từ các trung tâm dạy bơi như: Có đội ngũ huấn luyện viên giàu kinh nghiệm, môi trường thực hành bơi chất lượng, hệ thống giáo án khoa học… Song kèm theo đó là mức học phí dao động từ 2,5 – 4,5 triệu đồng tùy độ tuổi, trình độ. Đó là chưa kể tiền vé vào bể bơi được cho là đủ tiêu chuẩn làm địa điểm thực hành, có giá từ 100.000 – 300.000 đồng/lần. Với mức kinh phí đó, phải những gia đình khá giả mới đủ điều kiện cho con theo học. Nếu không phải chấp nhận học ở những nơi chất lượng dạy lẫn vệ sinh còn đầy phàn nàn, hoặc chịu cảnh “mù bơi” như 70% số trẻ còn lại.

Hè nào, Tháng hành động vì trẻ em cũng được phát động. Cũng đã nhiều năm, việc dạy bơi cho trẻ được xác định như một phương cách phòng chống tai nạn đuối nước, được đề cập trong nhiều chương trình, dự án. Song đến tận bây giờ, người Hà Nội vẫn cứ “bằng lòng” với “bãi biển” ven Hồ Tây, dù biết chắc không bảo đảm cả về vệ sinh, độ an toàn lẫn mĩ quan đô thị. Và đến tận bây giờ, đa phần trẻ em, không chỉ ở Hà Nội, chưa có điều kiện được tới các bể bơi an toàn, chưa nói đến việc học bơi một cách bài bản. Để tình trạng trên kéo dài, liệu có phải do vấn đề này được giao cho quá nhiều cơ quan, tổ chức, mà không ai chịu trách nhiệm chính. Phải chăng đã đến lúc cần quy về một mối?