Chiều 16/8, Bộ LĐTB&XH đã họp Ban soạn thảo và tổ biên tập dự án Bộ luật lao động (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết 10 nội dung lớn được điều chỉnh trong dự thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo đó, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động (NLĐ) nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong tuyển dụng và sử dụng lao động; quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho NLĐ. Về làm thêm giờ, dự án dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm. “Việc tăng số giờ làm thêm trong một năm để đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, là trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các điều kiện nước ta là một nước đang phát triển và phù hợp với thực tế người lao động có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập” – Thứ trưởng Diệp nhấn mạnh.
Và, khi mở rộng khung thời gian được phép làm thêm thì cần bảo đảm quyền tự quyết của người lao động khi tham gia vào hoạt động này.
Tiền lương tối thiểu và chính sách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết số 27 của Trung ương. Theo đó, tiếp tục thể chế tiền lương theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua từng bước mở rộng và tạo quyền tự chủ thực sự cho người sử dụng lao động và người lao động trong trả lương.
Tuổi nghỉ hưu cũng được điều chỉnh thực hiện theo Nghị quyết số 28 của Trung ương. Theo đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động đến thị trường lao động. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu cũng phải đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; cân đối Quỹ Bảo hiểm trong dài hạn; thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.
Đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Dự kiến, từ 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, tăng 4 tháng đối với nữa cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Dự thảo Bộ luật Lao động cũng bổ sung thẩm quyền thanh tra lao động nhằm bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người lao động tại nơi làm việc và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý nhà nước về lao động, đảm bảo tính răn đe, phòng, ngừa, hành vi vi phạm pháp luật lao động và phù hợp với công ước số 81 năm 1947 của Tổ chức Lao động quốc tế về Thanh tra lao động.
Bộ luật Lao động sửa đổi dự kiến khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên lao động có quyền thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước.
Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 9/2018, sẽ họp Ban soạn thảo và tổ biên tập, hội thảo tham vấn lấy ý kiến hoàn thiện tài liệu trong hồ sơ Dự án Bộ luật Lao động. Tháng 19/2018, đăng website và lấy ý kiến chính thức giao cho các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương. Tháng 11/2018, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Tháng 1, 2/2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tháng 3/2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tháng 5/2019 trình Quốc hội cho ý kiến Tháng 6 – 8 tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội Tháng 10/2019 trình Quốc hội thông qua. |