Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự tin với cách ly 3 lớp

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu so với những đợt dịch trước, trong đó có cả hình thức giãn cách xã hội diện rộng mà chúng ta thực hiện thì hôm nay, với kinh nghiệm thực tiễn và cách tính toán khoa học, thông tin biện pháp “cách ly 3 lớp” mà huyện Đông Anh đã làm cho thấy tính hiệu quả cao, ngăn được hiện tượng do chống dịch mà để đứt gãy sản xuất.

 Phun khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở tại huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hơn một lần đề cập đến vai trò của người đứng đầu địa phương trong việc chỉ đạo chống dịch. Ông luôn nhắc nhở đến vai trò của cả cấp ủy đảng chứ không chỉ có chính quyền địa phương. Đồng thời, Thủ tướng cũng đã đề cập đến tư tưởng sáng tạo, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo từng địa phương trong phòng chống dịch. Qua cách gợi mở nói trên, các biện pháp mà lãnh đạo địa phương triển khai, được lực lượng phối thuộc cùng ngành y tế như Đông Anh thực thi đã cho thấy đây là cách làm sáng tạo cần nhân rộng.

Chúng ta đã và đang chứng kiến Hà Nội đang trở thành khu vực ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh kể từ ngày 29/4. Song, Hà Nội cũng chỉ phong tỏa các điểm rất nhỏ, mà lớn nhất thì cũng chỉ là một làng như tại huyện Đông Anh.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh khi báo cáo đã cho thấy khá rõ tính tích cực của biện pháp này, bởi mặc dù có tới 4 điểm dịch Covid-19 phải thực hiện phong tỏa nhưng nhờ cách làm sáng tạo, nhất là với mô hình cách ly “3 lớp”, huyện Đông Anh vẫn kiểm soát tốt tình hình và thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Thường trực Thành ủy cũng đánh giá rất cao cách làm trên.

“Cách ly 3 lớp” được tổ chức theo nguyên tắc: Lớp 1 là siết chặt cách ly những gia đình F1, toàn bộ F2, người đi đến ở vùng dịch và huyện phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ; lớp 2 là lập chốt kiểm soát sinh hoạt nội bộ tại các ngõ, xóm; lớp 3 là khoanh vùng vòng ngoài đối với tất cả các thôn, làng, tổ dân phố với 1.611 chốt.

Để thực hiện được mô hình này, huyện Đông Anh đã huy động được trên 11.000 tình nguyện viên và các lực lượng liên ngành tham gia để bảo vệ ở các chốt, bảo đảm việc kiểm soát y tế. Như vậy cho thấy, nếu toàn bộ hệ thống chính trị không vào cuộc thì rất khó làm chống dịch hiệu quả.

Còn nhớ tại cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid -19 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ rất chính xác một vấn đề hệ trọng, đó là chống dịch triệt để nhưng làm sao “không để dịch chọc thủng các khu công nghiệp của chúng ta”. Nếu thực hiện được vấn đề này thì mục tiêu kép trong phòng chống dịch mới thành công, vẫn đảm bảo cho kinh tế phát triển. Đó mới là cái đích quan trọng chúng ta hướng đến.

Nói một ví dụ cụ thể để dễ hình dung, chỉ riêng DN Samsung đầu tư sản xuất trên đất nước ta rồi tiêu thụ và và xuất khẩu đi các nước, mỗi năm, họ đóng góp cho ngân sách nước nhà rất lớn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng dần vươn lên trở thành cứ điểm sản xuất lớn nhất thế giới của Samsung, vượt cả Trung Quốc. Đó là chưa nói đến chuyện năm vừa rồi, phía Samsung họ đang có chủ trương dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sang các nước khác mà Việt Nam là ưu tiên của DN này. Vì thế, nếu xảy ra chuyện để lây nhiễm tại đâu đó trong khu công nghiệp (không kể hãng đó là Samsung hay ai đó) thì đều có nguy cơ đình trệ sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất.

Từ 2 câu chuyện tưởng như không liên quan đến nhau trên để thấy rõ một điều, dù dịch bệnh lần này vô cùng phức tạp và nguy hiểm hơn trước nhiều lần nhưng chúng ta vẫn đủ bình tĩnh đối phó, vẫn có một niềm tin lớn vào những biện pháp sáng tạo như ở Đông Anh mà nhiều địa phương khác có thể tham khảo, áp dụng. Hy vọng mọi việc rồi sẽ qua và kinh tế nước nhà sẽ khởi sắc sớm trở lại.