Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm báo, viết báo: Bài học sâu sắc cho người làm báo

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đội ngũ những người làm báo và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam 95 năm qua đã và đang được thừa hưởng tài sản vô giá của Người về phong cách, tư tưởng, đạo đức... làm báo cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu
Vẹn nguyên giá trị
Đọc, nghiên cứu các tài liệu viết về Bác Hồ càng thấy rằng: Tư tưởng, đạo đức, tác phong, phong cách là một chỉnh thể, tạo nên nhân cách mẫu mực Hồ Chí Minh. Với báo chí, Bác vừa là một nhà lãnh đạo, cũng là một nhà báo nên Người hiểu rất rõ vai trò và tác dụng tuyên truyền của báo chí. Vì vậy, những tư tưởng, quan điểm của Người về công tác làm báo, viết báo đã trở thành định hướng cơ bản cho sự phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Trường Chinh từng khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, là người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí. Cho nên, Bác tự nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí và những lời dạy của Bác về công tác báo chí là cả một kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ đường lối báo chí vô sản của Đảng ta, khắc sâu trong tâm trí những người làm báo chúng ta”.
Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Đến dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”…
Hơn nửa thế kỷ hoạt động sáng tạo báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản báo chí vô cùng quý giá, thể hiện sinh động những quan điểm tư tưởng của Người về cách mạng, về thời đại, về Nhân dân, về kinh tế, chính trị, văn hoá… Đặc biệt những lời dạy của Người về hoạt động báo chí vẫn giữ nguyên giá trị, chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển bền vững của báo chí hiện nay. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, một điều đặc biệt là tầm vóc bậc thầy về nghề báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh không tồn tại trong những giá trị đóng khung sẵn có, mà luôn rộng mở, trau dồi, vươn tới những nhận thức mới. Quá trình rèn nghề của Bác đã là một bài học sâu sắc cho những người làm báo các thế hệ tiếp nối. Hơn thế, điều cần quan tâm là một tinh thần học hỏi không ngừng, thái độ khiêm tốn, cầu thị của một tầm vóc văn hóa lớn. Quan điểm làm báo của Bác là quan điểm “mở”, phù hợp với sự phát triển đi lên của đời sống xã hội, mặc dù cốt lõi của nó vẫn là dựa trên những nguyên lý bền vững.
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo (nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trước hết phải thấy rằng, báo chí là điểm nhấn trong hoạt động cách mạng của Người. Trong hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân, Bác Hồ đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù đồng thời tuyên truyền, động viên, Nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã có trên 2.000 bài báo thuộc các thể loại, viết cho hơn 50 tờ báo và tạp chí ở trong và ngoài nước, bằng nhiều thứ tiếng. Những bài báo của Bác thể hiện tư tưởng cách mạng, yêu nước thương dân và đạo đức cao cả, với ngôn ngữ giản dị, bình dân, với phong cách đa dạng và hấp dẫn, có sức lay động trái tim và khối óc của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. GS.TS Hoàng Chí Bảo đặc biệt nhấn mạnh tới đạo đức nghề nghiệp nói riêng và đạo đức của người làm báo nói chung. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết để người làm báo thực hiện tốt nhiệm vụ cao quý của mình.
Nguyên giá trị cho truyền thông hiện đại
Lấy tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn, có thể thấy, những di sản tư tưởng của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho các cơ quan báo chí và những người làm báo hiện đại. Theo tư liệu lịch sử, vào tháng 5/1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”.
Đề cập tới cách làm báo, Người đã nêu lên kinh nghiệm bản thân: "Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị đi liền với rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, đó là trách nhiệm của các nhà báo cách mạng Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ là người chiến sĩ cách mạng vẻ vang đó, Người yêu cầu các nhà báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hòa mình vào đời sống của quần chúng Nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Bác khuyên các nhà báo: "Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công".
Đến nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị, vẫn luôn vẹn nguyên giá trị. Những tư tưởng ấy đang được từng cơ quan báo chí vận dụng sáng tạo và linh hoạt.
Đặc biệt, khi trình độ dân trí ngày càng cao, sự tác động đa chiều của hội nhập quốc tế, công nghệ thông tin, càng đòi hỏi báo chí phải thực sự giàu tri thức, mẫu mực về mọi mặt, phát huy hơn nữa vai trò đi đầu, xung kích trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, hấp dẫn và sáng tạo nhưng phải chính xác, có độ tin cậy cao, chứ không phải thông tin thụ động, ngồi chờ hoặc đi theo sau hay chủ quan duy ý chí trong định hướng thông tin.