Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ vụ nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines nhiễm Covid-19: Kẽ hở phòng dịch từ “đặc quyền” cho tổ bay?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vietnam Airlines đang là hãng bay duy nhất cho tổ bay cách ly tập trung tại trụ sở đoàn tiếp viên và áp dụng quy định cho tổ bay về nhà sớm.

 Vietnam Airlines từng nhiều lần cam kết đảm bảo tuyệt đối công tác phòng dịch (Ảnh: Lê Thanh).
Từng được đánh giá là đơn vị đi tiên phong trong việc tuân thủ quy định kiểm dịch phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong lĩnh vực hàng không, nhưng Vietnam Airlines lại vừa để xảy ra một sự cố nghiêm trọng khi tiếp viên của hàng vi phạm quy định cách ly y tế.
Vi phạm quy định các ly tại nhà
Trong hai ngày 29 và 30/12, tại TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 lây nhiễm từ khu cách ly, đó là nam BN 1342, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam, tiếp viên của Vietnam Airlines và nam BN 1347, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam, giáo viên tiếng Anh (bạn của bệnh nhân 1342).
Ngay lập tức, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã lấy mẫu xét nghiệm, cách ly 235 người, trong đó có 157 người cách ly tập trung và 72 người cách ly tại nhà và phong tỏa các địa điểm mà 2 bệnh nhân này từng lui tới.
Từ sự việc trên có thể thấy quy trình cách ly đã có nhiều khe hở, kể cả trong khu vực cách ly tập trung của Vietnam Airlines.
Theo điều tra dịch tễ, khi trở về từ Nhật Bản, BN 1342 được cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của Vietnam Airlines tại 115 Hồng Hà, quận Tân Bình từ ngày 15/11. Sau 2 lần xét nghiệm âm tính, người này được về nhà tự cách ly theo quy định. Tức là thời gian cách ly tập trung của nam tiếp viên hàng không này chỉ có 4 ngày.
Ngày 17/11, tại khu cách ly, BN 1342 tiếp xúc một tiếp viên của chuyến bay về từ Rumania. Ngày 25/11, tiếp viên trên chuyến bay từ Rumania được xác định dương tính với Covid-19 (bệnh nhân 1325).
Cơ quan chức năng nhận định khả năng cao BN 1342 bị lây nhiễm do không tuân thủ quy định cách ly tập trung, bởi chuyến bay về từ Nhật Bản đến nay không có trường hợp nào dương tính.
 Tiếp viên của Vietnam Airlines chỉ ở khu cách ly tập trung 4 ngày (Ảnh: Hòa Thắng).
Đặc biệt, trong thời gian tự cách ly ở nhà, BN 1342 đã hông tuân thủ quy định tự cách ly và tiếp xúc gần với 3 người khác. Hệ quả là một người bạn của H. đã bị lây virus SARS-CoV-2.
Hiện cơ sở cách ly của Vietnam Airlines tại TP Hồ Chí Minh phải tạm ngưng hoạt động. Sở Y tế địa phương đã chỉ đạo chuyển tất cả tiếp viên hàng không đến khu cách ly tập trung ở Củ Chi.
Bộ Y tế cũng đã đưa ra yêu cầu Vietnam Airlines tuân thủ các quy định về cách ly tại các cơ sở mà hãng đã đăng ký. Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội - nơi có địa điểm Vietnam Airlines đăng ký cách ly - kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình cách ly và không để tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly.
Quy định cách ly thành viên tổ bay ra sao?
Hiện Vietnam Airlines chưa đưa ra phát ngôn nào về vấn đề này. Tuy nhiên, việc nam tiếp viên của hãng bay này vi phạm quy định khi tự cách ly ở nhà đã cho thấy quy trình kiểm dịch đang có kẽ hở và bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, lờ là phòng dịch của một số người.
Theo dự thảo mới nhất được Bộ Y tế xây dựng về quy trình nhập cảnh, giám sát y tế với người nhập cảnh thì có 3 nhóm đối tượng phải cách ly. Nhóm 1 là công dân Việt Nam, người nước ngoài là thân nhân của công dân Việt Nam.
Nhóm 2 là người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, chuyên gia và thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) nhập cảnh vào Việt Nam ở, lưu trú từ 14 ngày trở lên; học sinh, sinh viên quốc tế.
Nhóm 3 là người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới 14 ngày.
 Thành viên tổ bay của Vietnam Airlines được cách ly tập trung tại trụ sở đoàn tiếp viên chứ không phải cơ sở cách ly do Nhà nước quản lý (Ảnh minh họa). 
Riêng các thành viên của tổ bay bao gồm tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, mặt đất, điều phối bay trên những chuyến bay từ các nước về Việt Nam không được xếp vào nhóm nào trong 3 nhóm trên mà thuộc “các đối tượng khác” và sẽ do Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho phép. Điều này có nghĩa là các thành viên của tổ bay sẽ tuân thủ cách ly theo Văn bản 3588/CV-BCĐ ngày 2/7 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Đối chiếu quy định trong Văn bản 3588/CV-BCĐ ngày 2/7 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các thành viên tổ bay người Việt Nam của Vietnam Airlines đều được lấy mẫu xét nghiệm sau khi về Việt Nam. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, thành viên tổ bay được tiếp tục lấy mẫu lần hai sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu đầu tiên.
Còn trong trường hợp thành viên nào của tổ bay có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2, các thành viên của tổ bay được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nếu có hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với Covid-19 ngay ở lần xét nghiệm đầu tiên, những người này sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày đối với tất cả thành viên của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2.
Như vậy, việc BN 1342chỉ cách ly tập trung 4 ngày và được về nhà tự cách ly sau 2 lần có kết quả xét nghiệm âm tính là đúng với quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, trong thời gian tự cách ly ở nhà từ ngày 18 - 28/11, BN 1342 không tuân thủ đúng quy định về cách ly y tế, tiếp xúc gần với 3 người gồm người bạn là giáo viên tiếng Anh (được xác định là BN 1347), bà TTPH (mẹ của nam tiếp viên) và bạn gái, tuy nhiên hai người này có kết quả xét nghiệm lần 2 là âm tính.
Không nên có “đặc quyền” trong cách ly phòng dịch

Vào đầu tháng 8/2020, khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trở lại, Vietnam Airlines đã đưa ra cam kết tiếp tục thực hiện và bổ sung nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo những tiêu chuẩn mới nghiêm ngặt nhất để nỗ lực bảo vệ sức khỏe hành khách, người lao động và cộng đồng. 
Hãng bay này cũng khuyến nghị hành khách cùng đồng hành, tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng chống dịch bệnh khi đi máy bay của Bộ Y tế, Cục Hàng không Việt Nam. Vietnam Airlines khẳng định những giải pháp phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt chính là nền tảng vững chắc để hành khách tin tưởng lựa chọn và cất cánh cùng những chuyến bay của hãng.
 Không nên có bất cứ ''đặc quyền'' nào trong công tác cách ly phòng dịch (Ảnh minh họa).
Được biết, trong thời gian qua, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất cho tổ bay cách ly tập trung tại trụ sở đoàn tiếp viên và áp dụng quy định cho tổ bay về nhà sớm trong khi các hãng hàng không còn lại sau khi thực hiện chuyến bay đưa khách nước ngoài về Việt Nam đều giao tổ bay cho cơ sở cách ly do Nhà nước quản lý. Ngay cả khi có xét nghiệm 2 lần âm tính, các phi công, tiếp viên cũng không về nhà khi chưa đủ 14 ngày.
Bản thân Vietnam Airlines cũng khẳng định đã có những biện pháp nhằm đảm bảo ngăn ngừa tuyệt đối khả năng lây nhiễm tại khu cách ly; xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn, giám sát đến từng cá nhân tại khu cách ly; triển khai sử dụng camera giám sát 24/7.
Tuy nhiên, từ sự việc xảy ra đối với nam tiếp viên Vietnam Airlines vừa qua cho thấy, không nên có bất cứ “đặc quyền” nào trong công tác cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, quá trình cách ly nên được giao cho các cơ sở cách ly của Nhà nước để đảm bảo công tác quản lý, giám sát diễn ra chặt chẽ, nghiêm ngặt.