Theo đó, Quốc hội sẽ dành 2 ngày thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. |
Quốc hội cũng dành một ngày để thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017.
Trong các phiên thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề ĐB Quốc hội nêu. Cùng với đó, Quốc hội sẽ thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, nhiều ĐB vẫn băn khoăn về nguồn lực để thực hiện. Theo tờ trình, Chính phủ dự kiến nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương khoảng 480 tỷ USD). Trong đó tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương dự kiến khoảng 3.570 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 180 tỷ USD). Về cơ cấu dự kiến vốn trong nước khoảng 75%, vốn ngoài nước khoảng 25%...
Nhiều ĐB đánh giá, đây là con số không hề nhỏ so với quy mô nền kinh tế GDP loanh quanh 200 tỷ USD và thu ngân sách chưa đến 50 tỷ USD. 5 năm mà huy động thế này rất đáng lo ngại khi mà cân đối thu chi chưa bảo đảm, mỗi năm vẫn bội chi 5%, nợ xấu và nợ đọng xây dựng cơ bản không giải quyết được sẽ trở thành nợ công.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cần suy nghĩ về chất lượng tái cơ cấu. Giai đoạn vừa qua, ba đột phá trong ba trọng tâm tái cơ cấu chưa giải quyết được chính, là nút thắt cho quá trình tài cơ cấu nền kinh tế, cần đặc biệt quan tâm thời gian tới. Cụ thể, tái cơ cấu đầu tư công có lẽ mới chỉ được một việc là trước đây quyết định những dự án công trình không theo quy hoạch hoặc chỉ dựa vào ý kiến chủ quan mà chưa tính đến nguồn lực. Nay bắt đầu phải theo quy hoạch, theo định hướng rồi bố trí nguồn lực. Về tái cơ cấu DN nhà nước, đang chậm và đến phút cuối vẫn tranh luận với nhau là có để DN này, DN kia không.
Với cơ cấu lại thị trường tài chính, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng thương mại, thời gian vừa qua đã làm tương đối quyết liệt nhưng rõ ràng có cái chưa thực chất, như vấn đề xử lý nợ xấu. “Nợ xấu - cái gọi là ách tắc nhất, "cục máu đông" nhất thì bây giờ vẫn là 253 ngàn tỷ, coi như VAMC mới mua về để đấy thôi, khoanh đấy thôi còn xử lý thực ra mới được 13% thôi, còn hơn 200 ngàn tỷ nữa là chưa, vẫn đắp chiếu để đấy”, Phó Chủ tịch nêu.
Về kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cũng còn rất nhiều băn khoăn. Theo nhiều ĐB cơ sở để thông qua kế hoạch giai đoạn tới chính là kết quả của 5 năm qua. Nhưng Chính phủ chưa đánh giá đủ những hạn chế của giai đoạn vừa rồi. Nổi cộm nhất là việc đầu tư là dàn trải hiệu quả rất thấp chưa được thẳng thắn nêu ra.