Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tủi phận ở cữ nhà chồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều hôm 9 giờ tôi mới được ăn sáng, thi thoảng trưa bà nấu thừa cơm buổi chiều hấp lại cho tôi ăn.

KTĐT - Nhiều hôm 9 giờ tôi mới được ăn sáng, thi thoảng trưa bà nấu thừa cơm buổi chiều hấp lại cho tôi ăn. Tôi ăn uống thất thường đâm ra sữa cũng kém, bà luôn miệng chê sữa tôi, đòi cho cháu ăn sữa ngoài cho oai, cho bụ bẫm.

Dẫu được nhiều người khuyên “mới đẻ xong không được khóc, người ta kiêng”, nhưng tôi không làm sao kiềm lại được bởi nỗi lòng mình chẳng biết tỏ cùng ai. 

Chuẩn bị cho việc lâm bồn, tôi và chồng đã báo cáo với bố mẹ chồng sẽ đẻ ở bệnh viện gần nơi tôi công tác, với thiết bị y tế đầy đủ và hiện đại sẽ yên tâm hơn, sau thì nhờ bà ngoại xuống chăm cho cứng cáp, tròn tháng sẽ về nhà nội cho mẹ chồng khỏi vất.

Nhưng ý kiến đó bị gia đình chồng tôi thẳng tay bác bỏ. Bố yêu cầu tôi phải nghỉ làm để về quê trước ngày dự sinh một tuần, rồi đến trạm y tế huyện đẻ, bởi bao đời nay con cháu trong họ mạc đều được cắt rốn ở đây. Rồi còn cúng mụ, làm đầy tháng… không thể muốn đẻ ở đâu thì đẻ, muốn làm gì thì làm được. Đất lề quê thói, dân làng người ta nhìn vào lại đánh giá nhà này không nuôi nổi dâu con.

Dù hơi lo lắng nhưng tôi vẫn vâng lời, nghĩ dù sao cũng là ý tốt của ông bà, thương con cháu, muốn tự tay chăm sóc. Với lại ở đây người ta thế, mình không làm trái được. Nhưng rồi dần dần tôi nhận ra, bố mẹ làm thế chỉ vì muốn giữ thể diện với xóm làng chứ thật tâm chẳng ai muốn vác mệt vào người.

Tôi sinh xong, bốn ngày đầu mẹ tôi đến chăm thì còn được nghỉ ngơi, kiêng khem đầy đủ đúng nghĩa ở cữ. Những ngày tiếp theo, khi mẹ đẻ về, mẹ chồng giặt giũ, nấu ăn giúp tôi với vẻ mặt bực bội, mệt mỏi. Thi thoảng bà lại chạy vào buồng quở con bé: “Đái gì lắm thế!” rồi quay ra nhắc nhở tôi: “Nó đái thì cứ để đấy khắc tự khô, thay ra lắm ai mà hầu mãi được”.

Tôi nghe mà ớn lạnh, chẳng dám nhờ mẹ nữa, thêm sững sờ trước một kinh nghiệm chưa từng nghe. Tã ướt, khó chịu, con ngủ sao được mà để đấy! Tôi đành lọ mọ ngồi dậy giặt cho cả mẹ lẫn con. Hai tay còn yếu, các khớp ở cổ tay cứ lỏng lẻo như muốn bong ra, buốt nhức cho đến giờ.

Thức ăn cho tôi, hôm mẹ tôi đến đã cẩn thận nấu cháo chân giò, chia sẵn ra các bát nhỏ, dặn mẹ chồng tôi: “Đến bữa bà lấy ra một bát nấu cho con giúp tôi”.

Vậy mà sáng sáng mẹ chồng tôi đem đổ tất cả mấy bát chân giò vào nấu một nồi to, để tôi ăn cả ngày, ngán không chịu được. Có hôm bà mua thịt nhiều mỡ về, ngấy, khó nuốt vô cùng. Không biết do bà vụng hay bà chán con dâu, chỉ thấy bà muốn làm mọi việc cho xong, cho có.

Nhiều hôm 9 giờ tôi mới được ăn sáng, thi thoảng trưa bà nấu thừa cơm buổi chiều hấp lại cho tôi ăn. Tôi ăn uống thất thường đâm ra sữa cũng kém, bà luôn miệng chê sữa tôi, đòi cho cháu ăn sữa ngoài cho oai, cho bụ bẫm.

Rồi lại cả những khác biệt về cách chăm sóc trẻ. Tôi đọc sách và tham khảo kinh nghiệm của các chị đi trước thì biết tắm nắng cho trẻ vào buổi sáng rất tốt, tăng Vitamin D phòng ngừa còi xương. Mẹ chồng tôi lại nhất định không cho cháu ra ngoài vì sợ gió, và còn nhiều cái vô l‎ý khác...

Tôi tủi phận mình gái đẻ chẳng được kiêng khem kỹ càng, thương con đến sữa bú chẳng đủ no, có lúc con khóc ngằn ngặt, vậy là mẹ cũng khóc.

Chồng tôi hai tuần mới về một lần, tôi không thể đem những “chuyện nhỏ nhặt” ra mà kể lể. Tôi biết anh sẽ rất khó xử, nên chẳng đành lòng.

Mãi rồi cũng qua đầy cữ con. Hôm rồi tôi xin phép được cho con lên nhà ngoại, nhưng bố mẹ chồng tôi không đồng ý: “Có mỗi đứa cháu, để ở đây cho vui cửa vui nhà”.

Thực sự, tôi không còn muốn nén lòng mình nữa, muốn bung hết ra những bức xúc. Con tôi là cháu của mỗi ông bà nội thôi à? Tôi quyết phản ứng dữ dội, nhưng rồi lại sợ mọi người, thậm chí là chồng cũng không hiểu, quay ra trách cứ tôi. Tôi có nên tự ý ‎về nhà ngoại, hoặc chuyển về nhà tôi cho khỏi phải sống cùng bố mẹ chồng? Làm sao cho hợp lẽ?