Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tung tiền chống tiêu cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, VPF - Công ty đang quản lý các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã tổ chức ký hợp đồng với một đối tác nước ngoài chuyên đảm trách việc phát hiện thông tin tiêu cực.

Đây thật sự là một bước đi cần thiết nhằm thực hiện nỗ lực loại trừ vấn nạn tiêu cực ra khỏi đời sống bóng đá.

Cậy nhờ đối tác ngoại

Đối tác được VPF chọn là một công ty nước ngoài có trụ sở tại Thụy Sỹ - Sportradar. Đây là một thương hiệu quen thuộc trong làng bóng đá thế giới với chức năng là giám sát những chuyển động của dòng tiền cá độ, sau đó phân tích, đánh giá và gửi cho các nhà quản lý giải đấu. Nhờ chức năng này, Sportradar đã được nhiều liên đoàn bóng đá quốc gia chọn như là một giải pháp chống tiêu cực tại các giải đấu.
Các cầu thủ Đồng Nai bán độ tại vòng 21 V.League 2014
Các cầu thủ Đồng Nai bán độ tại V.League 2014
Những năm qua, V.League đã được nối mạng ra nước ngoài. Các nhà cái đã đưa V.League vào danh mục cho phép đặt cược. Thậm chí, thông tin về diễn biến các trận đấu được các nhà cái cập nhật nhanh hơn trang tin của Ban tổ chức giải cũng như các tờ báo điện tử tại Việt Nam. Lo ngại sự thao túng của các đường dây cá độ, VPF đã quyết định hợp tác với Sportradar. Công ty này sẽ có trách nhiệm theo dõi những thông tin bất thường về các trận đấu. Khi phát hiện dòng tiền lạ nhắm vào các trận đấu cụ thể nào, họ sẽ báo cho Ban tổ chức giải và các đội bóng để có hướng điều chỉnh về chuyên môn.

Cần cả “cái đầu thông”

Việc hợp tác với những đơn vị chuyên nghiệp về phòng chống tiêu cực là điều tất yếu khi mà lâu nay, V.League trở thành miếng mồi của những đường dây cá độ. Nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra khiến thương hiệu giải đấu bị ảnh hưởng và một loạt cầu thủ xuất sắc đã phải ngồi tù hoặc bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Thiệt hại với nền bóng đá là không thể đong đếm.

Những ngày qua, các chuyên gia của Sportradar đã đến từng đội bóng giảng kiến thức và nắm tình hình. Họ đã đưa ra những khuyến cáo đối với các cầu thủ, đội bóng và mong mỏi nhận được sự phối hợp trong cuộc chiến chống tiêu cực. Thậm chí, Sportradar còn đề nghị được quản lý dữ liệu thông tin liên quan đến từng cầu thủ.

Chắc chắn, cuộc chiến nhằm giữ gìn hình ảnh của V.League sẽ được tiến hành bài bản hơn. Nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ quan tâm đến xu hướng cá cược để nhận diện tiêu cực ở bóng đá Việt Nam thì e rằng không đi đến gốc rễ vấn đề. Bởi bóng đá Việt Nam có những điểm đặc thù và nếu không hiểu một cách thấu đáo, nỗ lực chống tiêu cực sẽ không thu được hiệu quả. Đơn cử như việc ở Việt Nam, đôi khi các đội bóng cho, nhường điểm, liên minh thắng trận lượt đi, thua trận lượt về không nhằm để kiếm tiền. Người trong cuộc vì nể nhau, hoặc đảm bảo nhiệm vụ trụ hạng mà "nằm không đá" thì cũng là một biểu hiện tiêu cực. Khi ấy, sẽ chẳng có dòng tiền nào để Sportradar theo dõi, phân tích và báo cáo với Ban tổ chức giải.

Vậy mới nói, để nỗ lực làm sạch sân chơi, VPF cần có được một sách lược tổng thể. Trong đó, bản thân người trong cuộc phải xác định được trách nhiệm nói không với tiêu cực như là một cách để bảo vệ chính mình. Một khi cái đầu chưa thông thì những phức tạp trong làng bóng đá sẽ có đất để sinh sôi nảy nở.