Các quan chức chính phủ phương Tây sẽ quy tụ trong sự kiện đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp và học giả ở Madrid, Tây Ban Nha, thuộc khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Bilderberg lần thứ 70 vào cuối tuần này.
Đằng sau những cánh cửa đóng kín và ngoài tầm với của báo chí, những người tham dự dự kiến sẽ thảo luận về “Ukraine”, “Nga” và “Tương lai của chiến tranh”.
Được tổ chức hàng năm kể từ năm 1954, Hội nghị Bilderberg quy tụ giới tinh hoa và quyền lực từ Châu Âu và Bắc Mỹ để thảo luận – theo hầu hết các báo cáo – về cách điều chỉnh chặt chẽ hơn nền kinh tế và chính sách trên toàn cầu.
Việc tham gia chỉ dành cho những người được mời, không có tuyên bố hoặc thông cáo chính thức nào được đưa ra và theo thông tin chi tiết hạn chế có trên trang web của Bilderberg, những người tham gia với tư cách là “cá nhân” và “không bị ràng buộc bởi các quy ước riêng biệt hoặc bởi các thỏa thuận trước”.
Cuộc họp năm nay, được tổ chức tại Madrid, bắt đầu vào ngày 30/5 và kết thúc vào ngày 2/6. Trong số những người tham dự có Phó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jonathan Finer, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cũng như các thủ tướng Hà Lan và Estonia, bộ trưởng ngoại giao Tây Ban Nha, Ukraine, Thụy Điển, Ba Lan, và phó thủ tướng Ireland.
Từ giới kinh doanh, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla, Giám đốc điều hành BP Murray Auchincloss và cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt sẽ tham gia cùng với một số giám đốc điều hành AI của Google, Microsoft và Anthropic PBC.
Theo trang web Bilderberg, các chủ đề chính của năm nay bao gồm “trạng thái AI”, “tương lai của chiến tranh”, “Ukraine và thế giới” và “Nga”.
Mặc dù Nga là chủ đề thảo luận nhưng không ai trong số 131 người tham dự có tên trên trang web là người Nga.
Tính bí mật vốn có của chuỗi hội nghị Bilderberg đã làm nảy sinh các thuyết âm mưu từ cả hai phía của chính trường. Những người cánh tả coi Bilderberg là một công cụ của quyền lực tư bản, trong khi những người cánh hữu đánh giá các cuộc họp - cùng với sự kiện gặp mặt của Ủy ban ba bên và Diễn đàn Kinh tế Thế giới - là những phiên họp lập kế hoạch cho một cơ chế toàn trị toàn cầu, hay 'Trật tự Thế giới Mới'.
Denis Healey, một thành viên sáng lập của nhóm, nói với The Guardian vào năm 2001: “Nói rằng chúng tôi đang hướng đến thiết lập một cơ chế quản trị toàn cầu là quá phóng đại, nhưng không hoàn toàn không công bằng. Việc thảo luận sẽ giúp chúng ta tìm giải pháp để chấm dứt những cuộc xung đột vô nghĩa, gây thiệt hại nhân mạng lớn và tác động tới hàng triệu con người. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy rằng việc tạo ra một cộng đồng có chung chí hướng trên toàn thế giới sẽ là một điều tốt.”
Trang web Bilderberg cũng có thông tin cho biết: “Nhiều nhà lý thuyết âm mưu khác nhau đã đưa ra những cáo buộc hoang đường về mục đích của các hội nghị. Dù những tuyên bố này không có bất kỳ cơ sở nào, nhưng chúng tôi thấy làm tiếc khi nhiều tuyên bố này vẫn tiếp tục xuất hiện mạnh mẽ trên mạng và trong các nhóm truyền thông xã hội.”