Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuy Lai và ước vọng năm Mùi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói về nghề nuôi dê, anh Bản cười xòa, sống dưới chân núi đá cheo leo, từ đời ông nội...

Kinhtedothi - Nói về nghề nuôi dê, anh Bản cười xòa, sống dưới chân núi đá cheo leo, từ đời ông nội tới đời bố anh đã nuôi dê. Làm quen với con dê từ tấm bé nên với anh, dê là một loài vật nuôi gần gũi và thân thuộc không khác gì con trâu, con gà. Thân thuộc tới nỗi chỉ cần nhìn sơ sơ là anh biết được con dê nào bị đau mắt, con nào bị tiêu chảy để cho uống thuốc kịp thời.

“Mê mẩn với đàn dê nên nhiều đêm anh ấy mất ngủ vì trở dậy xem dê có bị gió lùa rét không" - chị Bảy, vợ anh Bản nói. Không phụ công người, đàn dê đã mang lại thu nhập cao cho vợ chồng anh. Riêng năm 2014, anh Bản thu hoạch được 900kg dê thịt, thu về khoảng 150 triệu đồng. 

 
Anh Nguyễn Văn Bản đang lùa đàn dê về chuồng.
Anh Nguyễn Văn Bản đang lùa đàn dê về chuồng.
 
Đường lên dãy núi Hang Trâu, nơi được mệnh danh là "đại bản doanh" của nghề nuôi dê xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức là một con đường mòn nhỏ hẹp và quanh co, được thảm một lớp xi măng trộn đá núi mỏng bay. Đang giữa mùa xuân, những đám cây bụi đâm chồi nảy lộc phủ một màu xanh non mơn mởn lên những vỉa đá vôi khiến cho bức tranh miền sơn cước tươi sáng hẳn. Trại dê của gia đình anh Nguyễn Văn Bản, thôn Giữa Quýt 1 nằm trên một khoảng đất bằng phẳng trên sườn núi, được bao bọc bởi những cây gạo rừng cao hàng chục mét.

Gặp anh Bản đang chăm sóc đàn dê, anh bảo, nuôi lũ dê từ lúc mới sinh cho đến trưởng thành nên tính nết cả đàn dê gần 200 con anh đều hiểu rõ, con nào ham chơi, con nào nghịch ngợm, con nào dữ, con nào hiền... Vì thế, anh chăm chút chu đáo và để mắt tới chúng không khác những đứa con của mình.Giống như anh Bản, những người chăn dê ở Tuy Lai luôn tâm niệm con dê không chỉ là "đầu cơ nghiệp" như con trâu với người nông dân ở đồng bằng mà còn là một người bạn thân thiết. Và điều quan trọng hơn, nhờ có đàn dê, kinh tế của nhiều hộ dân đã trở nên khá giả, thoát cảnh đói nghèo. Đơn cử, gia đình anh Đỗ Đình Bốn, thôn Thượng nuôi gần 100 con dê; hộ ông Nghiêm Văn Tư, thôn Thượng cũng nuôi trên 100 con, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm... Theo thống kê, toàn xã Tuy Lai hiện có hơn 1.400 con dê, tăng 30% so với năm trước. Nuôi dê cho thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 21 triệu đồng/năm. Dê núi Tuy Lai chỉ ăn thảo cỏ và uống sương mai tinh khiết nên chất lượng rất thơm ngon. Bởi vậy mà người dân không phải lo về đầu ra, vì cánh thương lái từ khắp nơi, có khi ở tận Hòa Bình luôn trực chờ tận trại để hỏi mua. Nói về định hướng trong năm mới, ông Ông Phùng Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lai phấn khởi chia sẻ, hầu hết các hộ dân đều có kế hoạch nhân rộng đàn dê núi. UBND xã cũng khuyến khích các hộ có điều kiện về chăn thả, trồng cỏ phát triển đàn dê, trong đó ký hợp đồng giao khoán diện tích đất rừng dài hạn cho các hộ dân. 

Ông Thu cho biết thêm, từ những con người dám nghĩ dám làm, trên những sườn cao của miền sơn cước này đã thấy những mầm xanh của sự sống và cũng đã thấy nụ cười no ấm của những người nông dân cần mẫn chinh phục núi non. Ông Thu không giấu diếm hy vọng, năm mới Ất Mùi - năm con Dê tiếp tục là một năm nhiều thắng lợi của nghề nuôi dê núi tại địa phương. Ước vọng một ngày không xa, đặc sản dê núi Tuy Lai có thương hiệu đàng hoàng sẽ xuất hiện tại thị trường Hà Nội.