Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên bố Hà Nội là dấu ấn, thành công lớn nhất của APPF-26

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thành công lớn nhất và là dấu ấn của Hội nghị lần này là các nghị viện thành viên đã thông qua Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á- Thái Bình Dương.

Tại họp báo công bố những kết quả quan trọng đã đạt được tại Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF-26), chiều tối 20/1, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thông báo tóm tắt kết quả của Hội nghị. 
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thông báo tóm tắt kết quả của Hội nghị
Theo đó, từ ngày 18-21/01/2018 tại Hà Nội, Quốc hội Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên APPF lần thứ 26 với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững”. Đây là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Nhà nước ta trong năm 2018. Là lần thứ hai Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức APPF, việc đăng cai APPF-26 góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao Nhà nước ta, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF.
Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển, sẽ là một dấu ấn mới trong lịch sử của APPF, đồng thời đặt ra yêu cầu phải đổi mới chương trình nghị sự, xác định tầm nhìn mới cho APPF trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Hội nghị APPF- 26 thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC, phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam trên kênh nghị viện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, sau ba ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi và trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy, với tinh thần trách nhiệm Hội nghị APPF- 26 đã hoàn thành 4 phiên thảo luận toàn thể, họp Ban Chấp hành và các phiên họp Ủy ban Soạn thảo và các Nhóm Công tác, với nhiều cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến thẳng thắn và bổ ích về những vấn đề cùng quan tâm chung của khu vực và trên thế giới. Hội nghị đã thông qua 14 dự thảo Nghị quyết; sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF; Thông cáo chung và Tuyên bố Hà Nội với sự đồng thuận cao của các đại biểu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thành công lớn nhất và là dấu ấn của Hội nghị lần này là các nghị viện thành viên đã thông qua Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á- Thái Bình Dương. Tuyên bố Hà Nội đánh dấu 25 năm thành lập và định hướng tương lai của Diễn đàn trong thập niên tiếp theo đến năm 2030; đánh giá những thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định vì hợp tác và phát triển bền vững ở châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trao đổi với phóng viên về thành công của Hội nghị APPF- 26, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF- 26 Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 3 thành công nổi bật của Hội nghị lần này. Đó là, Hội nghị đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nghị viện các nước thành viên APPF, thể hiện ở việc có 22 nghị viện các nước thành viên đã cử Đoàn đại biểu tham dự với hơn 300 đại biểu và khách mời, trong đó có 7 Đoàn cấp Chủ tịch Quốc hôi, 10 Đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), nguyên Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU, Quan sát viên và khách mời của Quốc hội nước chủ nhà đều tham dự Hội nghị, dành sự quan tâm đặc biệt đối với chủ đề cũng như nội dung nghị sự của các Phiên họp toàn thể, Hội nghị Nữ nghị sỹ.
  Ban Tổ chức tổ chức APPF-26 họp báo quốc tế công bố những kết quả quan trọng đã đạt được tại Hội nghị để kịp thời thông tin đến các phóng viên trong nước và quốc tế.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương” với sự thống nhất cao của các đại biểu, nêu bật các định hướng cho quan hệ đối tác nghị viện khu vực với sự khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Đặc biệt, Tuyên bố tiếp tục tinh thần của các Tuyên bố trước đây của APPF, đồng thời có sự phát triển phù hợp với tính hình mới và thể hiện đầy đủ, bám sát các nội dung tại 04 phiên thảo luận chính của Hội nghị. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, bên cạnh việc ra Tuyên bố Hà Nội, điều quan trọng là việc các nước thành viên sẽ triển khai các nội dung của Tuyên bố, nỗ lực biến lời nói thành hành động.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm nội luật hóa các cam kết quốc tế; đồng thời thực hiện đúng tinh thần, nội dung của các Nghị quyết và Tuyên bố Hà Nộiđã đạt được thể hiện tinh thần tích cực trách nhiệm của quốc gia thành viên.
Ngoài ra, Hội nghị đã nhất trí sửa đổi quy chế APPF, đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ trở thành một cơ chế chính thức tại các Hội nghị thường niên của APPF. Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là thành công và là nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên trên cơ sở sáng kiến của Nhật Bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung. Cũng như các nước thành viên khác, Việt Nam ủng hộ sáng kiến của Nhật Bản trong việc sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF đưa phiên họp nữ nghị sỹ trở thành phiên họp chính thức thường kỳ của APPF. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong khuôn khổ APPF, các nghị quyết, văn kiện đều hướng tới mục tiêu hỗ trợ bình đẳng giới trong các vấn đề như phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, đặc biệt là là phụ nữ ở vùng sâu vùng xa nông thôn và APPF sẽ tiếp tục đấu tranh cho tiếng nói của nữ nghị sĩ trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Chia sẻ cảm nghĩ về APPF-26 tại Việt Nam, Trưởng Đoàn Nghị viện Nhật bản, Đại diện Chủ tịch danh dự APPF Takuji Yanagimoto bày tỏ ấn tượng về những kết quả nổi bật của Hội nghị cũng như công tác đón tiếp, tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam; đánh giá cao những nỗ lực và hỗ trợ của Việt Nam đối với các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị trong quá trình thảo luận và tiến tới thông qua Tuyên bố Hà Nội. Trưởng Đoàn Nghị viện Nhật bản cũng cho rằng, Tuyên bố Hà Nội là nội dung hết sức quan trọng của Hội nghị lần này cùng như trong tiến trình phát triển của APPF. Tuyên bố Hà Nội đã đề xuất và nêu bật những thách thức cần giải quyết và định hướng phát triển tương lai của APPF. Trưởng Đoàn Nghị viện Nhật bản cũng bày tỏ cảm kích trước sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam trước đề xuất của nghị viện Nhật Bản về sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF. Đồng thời khẳng định những kết quả đạt được tại Hội nghị lần này sẽ trở thành nền tảng mở ra chương mới trong tiến trình phát triển của APPF.
Đặc biệt hài lòng khi tham dự APPF- 26 tại Việt Nam, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Campuchia (Chủ nhà APPF- 27) Tep Ngorn cho biết những thành công mà Hội nghị APPF-26 mang lại sẽ là những kinh nghiệm quan trọng để Campuchia học tập, thảo luận để chuẩn bị tổ chức đăng cai APPF- 27 vào năm 2019 và lựa chọn các chủ đề, nội dung thảo luận của Hội nghị tiếp theo.