Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Tokyo Metro Michiyoshi Hasegawa |
Nhật Bản là quốc gia có hệ thống giao thông phát triển với hệ thống tàu điện ngầm cũng như đường sắt trên cao đã được triển khai. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, từ giai đoạn chạy thử cho tới khi chính thức khai thác thương mại Tuyến 2A, Hà Nội có cần lưu ý gì?
Chúng tôi rất kỳ vọng Tuyến ĐSĐT số 2A của Hà Nội đi vào khai thác thương mại suôn sẻ càng sớm càng tốt.
Ngay cả với Tokyo Metro, cho đến nay, khi bắt đầu khai thác thương mại một tuyến ĐSĐT mới, cũng có ít nhiều vấn đề rắc rối xảy ra. Riêng với Hà Nội, vì Tuyến 2A là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam, và nhận được nhiều sự chú ý quan tâm của công chúng, nên sẽ gặp một số thách thức trong quá trình triển khai. Tôi kiến nghị dự án cần thẩm định kỹ càng từng hệ thống và cấu phần để khi khai thác thương mại sẽ diễn ra suôn sẻ.
Việc khai thác thương mại Tuyến 2A sẽ có những tác động như thế nào tới cuộc sống của người dân TP, thưa ông?
Thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống ĐSĐT, việc vận chuyển hành khách khối lượng lớn với thời gian chính xác sẽ được hiện thực hóa, qua đó góp phần nâng cao dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời làm giảm ùn tắc giao thông đường bộ, cũng như góp phần nâng cao hiệu suất lưu thông. Nhờ đó, các hoạt động kinh tế của TP cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, góp phần cho việc mở rộng quy mô và phát triển TP.
ĐSĐT là cơ sở hạ tầng kinh tế hỗ trợ các chức năng đô thị. Đây cũng là công cụ cho việc quy hoạch TP và khu đô thị. Đối với trường hợp của Hà Nội, 1 tuyến ĐSĐT số 2A chưa thể ngay lập tức tác động tới đời sống, phát triển kinh tế TP. Tuy nhiên, khi mạng lưới tuyến ĐSĐT được mở rộng trong tương lai với thêm 1-2 tuyến trên cao nữa, người dân sẽ nhận thấy rằng việc sử dụng giao thông công cộng với trọng tâm là ĐSĐT sẽ trở thành điều đương nhiên.
Việc khai trương tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội chính là bước đi đầu tiên và tôi cho rằng đây là một bước ngoặt quan trọng.
Công ty Tokyo Metro đã có những hỗ trợ như thế nào trong quá trình phát triển ĐSĐT Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung?
Những hợp tác của chúng tôi với chính quyền Việt Nam và Hà Nội đã bắt đầu từ năm 2013 khi Tokyo Metro đã nhận ủy thác từ JICA thực hiện “Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực của cơ quan quản lý và hỗ trợ thành lập công ty vận hành và bảo dưỡng các tuyến đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội” (đến năm 2016). Cùng năm đó, chúng tôi cũng khởi động "Dự án hỗ trợ dự án xây dựng phát triển đường sắt đô thị TP Hà Nội".
Năm 2017, công ty TNHH MTV “Việt Nam Tokyo Metro” chính thức được thành lập tại Hà Nội với mục đích tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua các dự án tư vấn về đường sắt. Trong những nỗ lực gần đây nhất, chúng tôi đã ký kết “Biên bản ghi nhớ về hữu nghị và hợp tác” với UBND TP Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!