Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển dụng giáo viên mầm non: Chuyện buồn chưa có hồi kết

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện 2 cô giáo của Cơ sở mầm non (MN) Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) "dạy" trẻ bằng dép như đổ thêm dầu vào lửa về chuyện bạo hành trẻ vốn âm ỉ suốt thời gian qua.

Dư luận cho rằng, việc quản lý các cơ sở MN tư thục còn lỏng lẻo; việc đào tạo, giáo dục đạo đức nhà giáo chưa được quan tâm; việc tuyển chọn giáo viên MN cũng tràn lan, thiếu chuẩn mực... nên câu chuyện thiếu nhân văn đó chưa có điểm dừng.
Đạo đức người làm nghề
Hiện, Công an quận Hai Bà Trưng đang phối hợp với Phòng GD&ĐT quận điều tra làm rõ vụ việc của Cơ sở MN Sen Vàng. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu phát hiện sự việc giáo viên (GV) MN bạo hành trẻ, mà những vụ việc tương tự đã ồn lên nhiều lần trong dư luận thời gian qua. Hết bé 16 tháng tuổi gửi ở trường MN tư thục Ánh Sao (Hà Nội) bị cô giáo đánh tím mặt, lại đến sự vụ cô giáo MN dùng tay tát vào mặt, lắc đầu trẻ chỉ vì ăn chậm... Dễ nhận ra là tất thảy đều xảy ra ở các cơ sở MN tư thục với cô giáo hoàn toàn không có kỹ năng nghề, không có lòng yêu trẻ...

Hình ảnh cô giáo Cơ sở mầm non Sen Vàng dùng dép đánh trẻ. (ảnh cắt từ clip)

Chia sẻ xung quanh vấn đề bạo hành trẻ, một cán bộ quản lý bậc học MN thuộc quận Hà Đông (Hà Nội) khẳng định, nguyên nhân đầu tiên thuộc về đạo đức nghề nghiệp trong mỗi con người. Nếu như có tình yêu mến trẻ, xác định trẻ em – HS cũng giống như con đẻ của mình thì sẽ không có những câu chuyện đau lòng xảy ra như thế. Cũng theo vị này, tình trạng bạo lực là một vấn đề sâu rộng, vấn đề đạo đức xã hội trong bối cảnh chung, từ gia đình đến xã hội chứ không riêng của GV mầm non. “Tuy nhiên, xảy ra những việc bạo lực đáng tiếc trong thời gian qua, trong đó có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, việc cho mở tràn lan ngành sư phạm ở những trường không chuyên, đào tạo ngắn hạn, từ xa, thậm chí có những trường không thi đầu vào, sinh viên (SV) không được chọn lọc. Ở Nhật Bản, họ rất coi trọng GV, đào tạo GV ngang đào tạo bác sĩ (7 năm). Họ coi GV như một bác sĩ; luật sư; một nhà thể thao, một cô giáo... Còn thực tế ở Việt Nam, nhiều trường đào tạo ngắn hạn, một số trường trung cấp tổng hợp cũng đào tạo theo nhu cầu của SV để ra có nghề... là những tác nhân gây ra bạo lực”.
Đây cũng là quan điểm của cô Hồng Vân - một GV của trường MN công lập thuộc quận Đống Đa. Cô Vân cho rằng, những vụ bạo hành trẻ thường xảy ra ở các nhóm lớp tư thục, nhiều cơ sở tuyển chọn GV dựa theo quá trình đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng với thời gian học chỉ từ 6 tháng đến 3 năm. “Khi có được tấm bằng, chứng chỉ nghề, họ lại sử dụng để mở trường nhằm mục đích kiếm tiền chứ không phải vì nhiệt huyết với nghề và tình yêu đối với trẻ. Theo tôi, cần phải quản lý chặt các cơ sở MN, đặc biệt, không nên để các trường mở ngành đào tạo MN tràn lan”.
Dễ dãi cơ chế tuyển dụng giáo viên
Nhiều ý kiến cho rằng, xảy ra những vụ bạo lực trẻ MN có một phần lỗi không nhỏ liên quan đến việc tuyển dụng GV. GV được tuyển vào làm việc ở các cơ sở MN, nhóm lớp tư thục không chỉ yếu trình độ, kém kỹ năng, mà còn không được bồi dưỡng, đào tạo sau tuyển dụng. Thậm chí, có những nơi còn chấp nhận cả người không có chuyên môn dạy trẻ MN "vào vai" cô bảo mẫu, nên không thể tìm được ở đó kỹ năng dạy trẻ và nhiệt huyết cần có với nghề. Cơ sở MN Sen Vàng là một điển hình, khi sự việc vỡ lỡ thì mới "lộ" ra, một trong 2 cô giáo chỉ có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Hưng Yên và không được đào tạo chuyên môn sư phạm. Rõ ràng một người học cao đẳng y tế không thể làm tròn vai của một cô giáo MN, chứ chưa nói đến cụm từ đạo đức người làm nghề.
Theo các chuyên gia, mỗi bậc học đều có những khó khăn đặc trưng, mỗi đối tượng học trò đều có những đặc điểm riêng biệt, GV cần hiểu rõ để tránh những hành động làm tổn thương trẻ và làm ảnh hưởng tới vị thế nhà giáo của mình. Bạo hành chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể đánh đồng, song, để tránh những hình ảnh xót xa, chủ cơ sở, nhóm lớp MN tư thục khi tuyển dụng GV nhất thiết phải có quy định chặt chẽ về có bằng cấp, kinh nghiệm đứng lớp, có thời gian thử việc... Thực tế, quy định chủ nhóm trẻ chỉ cần học hết THPT và có chứng chỉ nghề học trong 3 tháng là quá dễ dãi! Với quy định này, người không qua trường lớp đào tạo cũng có thể làm quản lý, mà không cần trình độ, nghiệp vụ sư phạm. Khi làm việc, nhiều chủ cơ sở phó mặc cho GV dạy trẻ là nguy cơ trẻ dễ bị bạo hành. Dù biết vậy, nhưng khi kiểm tra các cơ sở, nhóm lớp MN, họ xuất trình đủ giấy tờ pháp lý nên rất khó cho cấp quản lý.
Phải siết chặt
“Cần có chế tài siết chặt quản lý cơ sở MN tư thục; nghiêm túc quản lý các trường đào tạo, nhất là đào tạo từ xa. Nhà nước phải quản lý chất lượng đầu vào, đầu ra. Đặc biệt, khi cho mở nhóm lớp MN, chủ nhóm lớp phải có bằng cấp ngành sư phạm, ít nhất phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Đối với GV, chủ nhóm lớp khi tuyển dụng phải kiểm tra bằng cấp, cho thử việc và thường xuyên mở lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho GV". Đây là ý kiến chung của các nhà quản lý bậc học MN khi sự bạo hành trẻ xảy ra liên tiếp thời gian qua. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội còn cho rằng, cốt yếu nhất chính là bản thân của mỗi GV. Các cô giáo MN cần ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Ngay từ khi chọn nghề là phải hiểu rõ được đặc trưng của nghề, những khó khăn của nghề… Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đào tạo GV MN cần siết chặt hơn về việc tuyển sinh ngành học này.
“Ở nhiều nước trên thế giới, các cơ sở giáo dục MN đều tuyển dụng những GV tốt nghiệp đại học chính quy, thạc sĩ. Việc xác định SV tốt nghiệp ngành MN hết sức ngặt nghèo, trải qua nhiều công đoạn. Nếu SV nào không có đủ trình độ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng chăm sóc trẻ thì nhà trường không cấp bằng tốt nghiệp cho người đó” - ông Lâm chia sẻ. Đây là một gợi ý mà các nhà quản lý giáo dục nên để tâm. Và hơn thế, như ông Lâm đề xuất: Nhà nước cần nâng lương cho GV MN, tăng cường thêm đội ngũ phục vụ (bảo mẫu…) để giảm bớt áp lực công việc thì mới mong câu chuyện buồn về GV MN bạo hành trẻ đi đến hồi kết.
Ông Bùi Tiến Dũng – Hiệu trưởng trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội:
Trách nhiệm thuộc người quản lý
Thực tế, ngoài những quy định về địa điểm, đội ngũ GV và các yêu cầu khác, người muốn thành lập cơ sở MN chỉ cần học qua lớp nghiệp vụ cơ bản trong 3 tháng là có đủ điều kiện. Như vậy, với chuyên môn MN và khả năng quản lý của chủ cơ sở không cao, dễ dẫn đến chất lượng giáo dục và chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhiều cơ sở giáo dục chưa tốt. Đối với trường công lập, việc tuyển dụng đầu vào rất kỹ. Tuy nhiên, đâu đó, nhất là trường tư thục, trách nhiệm của chủ trường còn thiếu, họ chưa quán xuyến công việc, chưa nắm bắt được tâm lý của GV, chưa giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức đối với một nhà giáo cho họ, việc tuyển bừa GV đã và sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Do vậy, chủ trường khi tuyển dụng GV phải thật kỹ; phải quan tâm, chia sẻ, hiểu được tâm tư nguyện vọng của GV, phải thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho GV... để GV được giải tỏa tâm lý, bớt được những điều đáng tiếc xảy ra.

Bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội:
Sẽ kiểm tra đột xuất cơ sở mầm non trên toàn TP
 Qua vụ việc cô giáo cơ sở MN Sen Vàng dùng dép đánh vào đầu trẻ, Sở sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở MN tư thục trên toàn TP. Để có thể thực hiện công tác chăm sóc trẻ, GV MN không chỉ cần trình độ chuyên môn sư phạm theo quy định mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng chính trị, yêu nghề, mến trẻ. Biện pháp đình chỉ các cô chỉ là biện pháp cuối cùng. Do vậy, ngành giáo dục  thực hiện rất nhiều biện pháp như phối hợp với cơ sở đào tạo sư phạm để đào tạo GV có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, còn thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn để các cô giáo vừa có nghiệp vụ sư phạm tốt, yêu nghề hơn, không để xảy ra hành vi không phù hợp với trẻ.

Hà Nội hiện có 1.012 trường MN công lập, hơn 1.700 nhóm lớp tư thục, với tổng số hơn 528.000 trẻ, trong đó 22% số trẻ học tại các cơ sở ngoài công lập, bao gồm các trường tư thục, dân lập và các nhóm lớp.