Kinhtedothi - Tối 12/11, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2015 - Tuyên dương 64 thầy, cô giáo “cắm bản” tiêu biểu đang công tác tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ.
Đây là hoạt động triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014-2019 phát động và chào mừng kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
64 giáo viên cắm bản được tuyên dương hôm nay gồm có 20 thầy giáo và 44 cô giáo, trong đó 32 thầy, cô là người dân tộc kinh và 32 thầy, cô là người dân tộc thiểu số. Giáo viên lớn tuổi nhất là thầy Lò Văn Xuân, sinh năm 1957, dân tộc Thái, giáo viên trường Tiểu học Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La với 35 năm giảng dạy. Giáo viên ít tuổi nhất là cô Đàm Thị Thu Thủy, sinh năm 1990, dân tộc Kinh, giáo viên trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với 4 năm giảng dạy.
Tại lễ tuyên dương, các thầy cô giáo đã được tặng Bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng tặng 280 tấm chăn cho học sinh ở 14 trường mầm non điểm lẻ trong chương trình.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long gửi lời chúc đến toàn thể các thầy giáo, cô giáo những lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm Ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, đặc biệt là 64 giáo viên cắm bản được tuyên dương hôm nay.
Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết, trong những năm qua, để đem “con chữ” đến cho các em học sinh vùng cao, hàng ngàn “giáo viên cắm bản” đã hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh, được các phụ huynh học sinh, chính quyền và Nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Thông qua hoạt động này T.Ư Đoàn mong muốn góp phần khơi dậy tinh thần xung kích của các bạn đoàn viên, hội viên, thanh niên trong việc tình nguyện về công tác tại những nơi khó khăn của Tổ quốc. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi xã hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ đội ngũ giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
“Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Hội LHTN Việt Nam mong muốn các thầy giáo, cô giáo sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để trở thành tấm gương sáng về đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trẻ, không ngừng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy để hoàn thành trọng trách cao quý mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Lớp người đi trước, lớp người đi sau, các thế hệ giáo viên hôm nay đã và đang nối tiếp nhau viết tiếp những trang sử truyền thống vẻ vang của ngành giáo dục nước nhà”, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long cho biết.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình, 64 thầy, cô giáo “cắm bản” tiêu biểu xuất sắc đã tham gia các hoạt động vào Lăng viếng Bác; thăm khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
64 giáo viên "cắm bản" được nhận Bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam.
|