Để giải quyết bài toán ảo trong tuyển sinh đại học (ĐH) 2017, sáng nay 8/5, 41 trường ĐH ở khu vực miền Bắc đã họp bàn về phương án xét tuyển theo nhóm.
Quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD&ĐT quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng (NV) không hạn chế trong xét tuyển đợt 1. Danh sách NV phải được xếp theo thứ tự ưu tiên; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 NV cao nhất có thể trong danh sách. PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH bách khoa Hà Nội, đơn vị đảm nhiệm vai trò chủ trì tuyển sinh của nhóm Miền Bắc nhận định: Cách thức xét tuyển theo quy chế năm nay hoàn toàn phù hợp với phần mềm xét tuyển của nhóm GX đã sử dụng trong năm 2016. Vì thế các trường tham gia nhóm Miền Bắc sẽ tiết kiệm được chi phí và nhân lực trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, hỗ trợ được đội ngũ kỹ thuật của nhóm hỗ trợ; cũng như chủ động hơn trong việc xác định điểm chuẩn dự kiến và danh sách thí sinh trúng tuyển trước khi trình Bộ GD&ĐT.
Theo ông Minh Sơn, các trường tham gia nhóm Miền Bắc trên tinh thần tự nguyện, có sự cam kết bằng văn bản. Các trường trong nhóm sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 do Bộ GD&ĐT cung cấp để thực hiện xét tuyển đợt 1 cho các trường trong nhóm.
Các trường trong nhóm Miền Bắc sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý. Đồng thời thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh khi thực hiện xét tuyển theo quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh 2017.
Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc xét tuyển theo nhóm sẽ có lợi cho các trường và thí sinh. Đến nay, các trường ĐH phía Nam (từ Quảng Bình trở vào) đã lập nhóm xét tuyển với 50 – 60 trường. Nếu từng trường xét tuyển độc lập sẽ rất khó loại được ảo, vì em thí sinh trúng vào trường mình nhưng lại còn đậu ở nhiều trường khác. Các trường cũng sẽ không biết lấy bao nhiêu điểm chuẩn cho vừa để có số lượng thí sinh đến nhập học đạt đủ chỉ tiêu.
Còn khi các trường xét tuyển theo nhóm lớn, danh sách trúng tuyển dự kiến của từng trường được gửi lên Bộ GD&ĐT. Phần mềm của Bộ sẽ chạy để mỗi thí sinh trúng tuyển 1 NV duy nhất, sau đó chuyển về cho các trường trong nhóm xác định với nhau và thống nhất điểm chuẩn. Bộ sẽ chạy một lần nữa để lọc thí sinh ảo ở Miền Bắc và Miền Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký dự thi đã sẵn sàng, ngày 20/5 Bộ sẽ mở và gửi đến các trường để phân tích cơ sở dữ liệu từ đó hoạch định chính sách tuyển sinh của trường mình trên cơ sở tổng số NV thí sinh đăng ký vào trường mình.
Theo thống kê chung của Bộ GD&ĐT, hiện nay có đến 50% thí sinh chỉ đăng ký từ 1 – 3 NV, 30% thí sinh đăng ký 4 – 5 NV. Như vậy, có 80% thí sinh đăng ký từ 1 - 5 NV. Và, có 18% thí sinh đăng ký từ 6 đến 10 NV. Tựu chung lại, có đến 98% đăng ký từ 1 - 10 NV. Chỉ có 2% đăng ký từ 11 - 48 NV. Trong 2% này, có tới gần 1,7% thí sinh đăng ký từ 11 đến 15 NV và chỉ có hơn 0,3% thí sinh đăng ký trên 15 NV. Như vậy, thí sinh không đăng ký quá nhiều NV nên các trưởng khỏi lo không kiểm soát được. Việc thí sinh đăng ký NV cho thấy ý thức cũng như số NV rất chụm.
Bà Phụng cho rằng, thí sinh ảo chỉ rơi vào trường hợp trúng tuyển rồi đi du học, tỉ lệ này không nhiều. Học sinh giỏi xét học bạ tuyển thẳng của tường top trên, Bộ sẽ hỗ trợ các trường bằng việc chốt lịch trước khi xét tuyển chung.
Về băn khoăn các trường công an, quân đội lấy điểm khá cao nhưng xét tuyển chậm nên khi nhóm trường Miền Bắc xét tuyển lại chưa có thông tin. Nhưng Bộ sẽ chuyển dữ liệu đăng ký của khối trường công an, quân đội để các trường biết và xem xét.
“Trừ ảo bao nhiêu là các trường tự xác định. Mỗi ngành trong trường cũng có mức ảo khác nhau, các trường tự tính và chịu trách nhiệm. Nhóm sẽ thống nhất thời gian làm việc chung, cố gắng từ 25 - 28/7 để lọc ảo. Trong thời gian đó, các trường của nhóm phải lọc ảo bao nhiêu lần thì tự bàn bạc” – bà Phụng nhấn mạnh.