Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển thủ nhảy xa Bùi Thu Thảo: Phía sau tấm HCV ASIAD

Tường Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại ASIAD 2018, thể thao Việt Nam (TTVN) đã lần đầu giành được tấm HCV ở môn điền kinh, do công của tuyển thủ 26 tuổi Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung rất khó, nhảy xa nữ. Phía sau kỳ tích trên của cô gái con nhà nghèo vùng đất Ba Vì – Hà Nội này, là cả một hành trình vượt lên nghịch cảnh bằng ý chí, sự bền bỉ khó tin của mình.

Tấm HCV ASIAD đẳng cấp nhất

Nói về kỳ tích mà Thu Thảo vừa giành được trên đất Indonesia, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh, người từng nhiều năm dẫn quân xuất ngoại tranh tài đã phải thốt lên đầy thán phục “đây là tấm HCV ASIAD đẳng cấp nhất của TTVN”. Đẳng cấp bởi tuyển thủ sinh năm 1992 này đã mang về tấm HCV đầu tiên ở môn cơ bản vẫn được ví như “nữ hoàng”. Đẳng cấp bởi cách thức mà cô đã chinh phục thành công trên đấu trường lớn của châu lục.
 

Khác với kỳ ASIAD trước khi bất ngờ đoạt HCB, lần này Thu Thảo đóng vai người đi chinh phục ngôi đầu, là ứng cử viên vô địch số 1 ở nội dung nhảy xa nữ. Và tuyển thủ có thể hình khiêm tốn nhất đến từ Việt Nam đã thực sự làm chủ cuộc đấu. Thu Thảo đã tạo áp lực lên các đối thủ ngay từ khi bước ra sân vận động, với sự tự tin, bình thản tới mức lì lợm. Để rồi, cô lập tức tung ra “đòn phủ đầu”, khi nhảy đạt 6m55 ngay lần đầu. Chính cú “đề pa” ấn tượng này đã đưa các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như đương kim vô địch của chủ nhà Maria Londa hay hiện tượng mới nổi Xu Xiaoling (Trung Quốc) vào tình thế phải bám đuổi, với sức ép đè nặng. Sau bước khởi đầu tuyệt vời, Thảo tiếp tục “tấn công” các đối thủ về cả tâm lý lẫn chuyên môn, với những cú dậm nhảy mạnh mẽ. Chính chiến thuật đặc biệt ấy đã giúp Thảo hạ gục tinh thần của các đối thủ. Cả 10 đối thủ đều thua chính mình, và dĩ nhiên không thể vươn tới thử thách 6m55 mà Thảo đặt ra. Thậm chí, tuyển thủ Việt Nam chưa cần đến lần nhảy thứ 6 đã chính thức giành tấm HCV.

Có nghĩa là, Thảo chỉ cần một lần nhảy, lại là lần nhảy đầu tiên, đã có HCV. Đẳng cấp của nhà vô địch ASIAD còn thể hiện rõ ở sự không hài lòng với chính mình, khi chưa phá kỷ lục 6m68 của bản thân, chưa hoàn thành mục tiêu 6m70 – 6m 75, mức cô thường xuyên đạt được trong tập luyện.

Vượt lên nghịch cảnh và phận Bạc

Tự thân tấm HCV ASIAD của Thu Thảo đã vô cùng sáng giá, mang tính cột mốc và bước ngoặt của không chỉ môn điền kinh. Bùi Thu Thảo dường như sinh ra để vượt lên những nghịch cảnh, mà như ví von của cô là “số tôi nó thế, cứ phải chiến đấu tới cùng, cứ phải vượt qua nghịch cảnh mới có thành quả”.

Đến với thể thao một cách ngẫu nhiên, nhà vô địch ASIAD từng phải chuyển qua tới vài môn, hết đá cầu, bơi lại 7 môn phối hợp. Thảo cũng từng bỏ tập vài lần khi chán với điều kiện vất vả, mức thu nhập bèo bọt, nản vì chấn thương, hay tự ti vì mình quá chậm tiến. Nếu không có sự nhiệt tình và kiên nhẫn thuyết phục động viên của các thầy, có lẽ thể thao Việt Nam đã không có Thảo của ngày hôm nay. Mãi về sau, cô gái mới trụ lại bên hố nhảy xa, với những bước khởi đầu trầy trật, thậm chí còn bị một số chuyên gia hồ nghi bởi “chân ngắn thế, thể hình thấp bé thế, nhảy xa thế nào được”.

Thu Thảo mất tới 6 năm mới có thành tích quốc tế đầu tiên là một tấm HCĐ SEA Games. Ngay cả khi đã trở thành VĐV nhảy xa nữ hàng đầu châu lục, thì phận Bạc vẫn luôn đeo bám cô gái người Hà Nội, bất chấp những quyết tâm nỗ lực cao độ cùng bước thăng tiến về thành tích. Quá đen cho cô khi luôn phải chạm trán với “cơn ác mộng” Maria Londa. Liên tiếp nhiều giải sau đó, đơn cử SEA Games 2015, Thảo phải rơi nước mắt nhận HCB. Maria Londa ám ảnh Thảo tới mức nhiều đêm ngủ cô cũng mơ về đối thủ người Indonesia này.

Sau mỗi cú nhảy là… người cha đau yếu

Dù vậy, tất cả không thể làm Thảo nhụt chí, mà ngược lại càng khiến cho cô gái vàng của hố nhảy xa càng trở nên mạnh mẽ, xuất sắc. Ngoài ý chí, sự bền bỉ phi thường trong một khát khao phục thù cháy bỏng trước Maria Londa, động lực ghê gớm để Thảo phải gồng mình gắng sức tới tận cùng còn vì người cha đau ốm, vì gia đình khốn khó của mình ở vùng quê nghèo Ba Vì, Hà Nội. Bố Thảo đã bị căn bệnh khớp quái ác hành hạ suốt hai mươi năm nay. Ông đau yếu, không thể làm được việc gì, và cả ngày chỉ có thể đi lại trong căn nhà nhỏ chỉ xây thô mà chẳng sơn trát vì không có tiền.

Thảo từng trải qua một tuổi thơ khốn khó, từng phải đóng gạch, làm phu hồ để mưu sinh. Mục đích ban đầu của Thảo khi đến với thể thao cũng là để không phải lo chuyện ăn ở, mỗi tháng có thêm vài trăm nghìn đồng mang về đỡ đần bố mẹ. Sau này, mỗi khi tranh tài tại các giải đấu, điều đơn giản mà cô nghĩ là có tiền thưởng mua thuốc, chữa bệnh cho bố, phụ tiền ăn giúp mẹ. Thảo từng chia sẻ, sau mỗi cú nhảy, cả khi tập luyện và nhất là lúc thi đấu là hình ảnh người cha đau trong căn nhà nhỏ ở quê. Thảo phải luôn nỗ lực chiến thắng và cũng chẳng sợ thua.

Ba năm nay, Thảo đã có gia đình. Cũng kể từ đó, cô lại có thêm một nguồn động lực và trách nhiệm để phấn đấu, với người chồng luôn ủng hộ, hy sinh cho mình. Từ trước lúc kết hôn, anh đã chấp nhận nghỉ việc cũ, tìm việc mới ngay tại Nhổn để có điều kiện chăm lo cho Thảo. Hai vợ chồng vẫn sống trong cảnh xa nhau triền miên, và chưa nghĩ đến chuyện có em bé, cho dù gia đình hai bên đã rất sốt ruột.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ thể hiện qua 5 - 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày phơi mặt bên hố nhảy cao của Thảo cuối cùng đã được đền đáp. Cùng với sự thăng tiến ngoạn mục của trình độ, bản lĩnh, những trái ngọt thành tích cũng liên tiếp đến với Thảo, đặc biệt trong hai năm trở lại đây. Năm 2017, Thảo đoạt tới 5 HCV quốc tế, trong đó có một ngôi đầu SEA Games và một chức vô địch châu Á. Và cả hành trình vượt khó phi thường, tài năng, sự khổ luyện, những khát vọng của Thảo được kết đọng tại ASIAD 2018, nơi người phụ nữ 25 tuổi có dáng vẻ khắc khổ đã giành tấm HCV một cách đầy đẳng cấp và xứng đáng. Phía sau kỳ tích trên đỉnh châu Á, Bùi Thu Thảo cũng tạo nên một giấc mơ có thật vượt ra ngoài câu chuyện chuyên môn, thành tích.