Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi do động đất cho cộng đồng

Văn Trọng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/11, Viện Vật lý toàn cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi do động đất cho cộng đồng”.

 Toàn cảnh Hội thảo.
Động đất là một dạng thiên tai không thường xuyên xảy ra như bão, lũ nhưng những tác hại của nó vô cùng lớn. Bất cứ khi nào chúng xảy ra cũng gây nên những lo lắng và hoảng sợ cho con người. Hiểu biết về các biện pháp phòng tránh là cơ sở đầu tiên giúp giảm nhẹ thiệt hại khi có động đất xảy ra.
Theo Viện Vật lý địa cầu, mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các tâm chấn động đất mạnh trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Tính từ năm 1910 đến năm 2020, hệ thống trạm địa chấn quốc gia đã ghi nhận hơn 300 trận động đất xảy ra tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc nước ta.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trên lãnh thổ, thềm lục địa và Biển Đông Việt Nam có tổng cộng 46 hệ thống đới đứt gãy có khả năng gây ra những trận động đất… Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống các đập thủy điện trên khắp lãnh thổ Việt Nam cũng có thể trở thành nguồn gây động đất kích thích…
 TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý toàn cầu phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý toàn cầu cho biết: Trong những năm qua, trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước đã xảy ra nhiều trận động đất và dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên kiến thức về động đất, sóng thần, giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro của cộng đồng dân cư và các cấp quản lý đang còn hạn chế. Việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi do động đất cho cộng đồng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, nâng cao kỹ năng ứng phó.
Liên quan nội dung trên, TS Bùi Thị Nhung (Viện Vật lý địa cầu) đã trình bày những kiến thức cơ bản về động đất; đồng thời đưa ra khuyến cáo các cơ quan, người dân trong xây dựng công trình có khả năng chống chịu, cũng như kỹ năng tồn tại, sống sót khi xảy ra và sau khi xảy ra động đất…
Cũng tại Hội thảo, đại biểu được nghe các tham luận: Những kiến thức cơ bản về động đất cần làm rõ trong hoạt động báo tin, thông tin về động đất; Hoạt động quan trắc, xử lý và báo tin động đất tại Việt Nam, năng lực và thức thức; Mức độ nguy hiểm động đất tại các vùng lãnh thổ của Việt Nam; Hợp tác quốc tế trong báo tin động đất và cảnh báo sóng thần tại Việt Nam; Các kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất.