Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ giá biến động, tín dụng ngoại tệ tăng cao: Đề phòng rủi ro

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã tăng trên 8% trong 5 tháng, trong khi 6 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 7,3%. Có thể thấy tín dụng ngoại tệ đã liên tiếp tăng mạnh trong thời gian qua.

 Trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,1% thì tín dụng bằng ngoại tệ lại tăng 8%
Cho vay tăng, huy động giảm

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tính đến cuối tháng 5/2018, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,1% thì tín dụng bằng ngoại tệ lại tăng 8%. Tăng trưởng cho vay ngoại tệ cũng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng bằng VND (5,6%).

Nguyên nhân do từ đầu năm, NHNN đồng ý tiếp tục gia hạn cho các DN vay ngoại tệ ngắn hạn cho đến hết năm 2018. Ngoài ra, một số DN chuyên xuất nhập khẩu còn cho biết, không những thuận lợi trong giao dịch với đối tác nước ngoài khi có nguồn ngoại tệ sẵn có, mà lãi suất cho vay bằng ngoại tệ chỉ bằng 1/2 so với lãi suất cho vay VND và lãi suất VND cũng đang có xu hướng tăng lên.
Theo công bố gần nhất, lãi suất cho vay USD qua đêm là 1,94%/năm, trong khi lãi suất cho vay qua đêm với VND chỉ 0,81%/năm. Ở kỳ hạn một tuần, lãi suất cho vay USD là 2,01%/năm, VND chỉ 1,03%/năm. Tương tự, ở kỳ hạn 2 tuần là 2,07%/năm, còn VND là 1,12%/năm… 

Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng cao gấp đôi VND xuất phát từ nhu cầu vay USD của các DN xuất khẩu tăng mạnh trong hai năm qua. Nhu cầu vay ngoại tệ cao trong khi huy động ngoại tệ lại giảm vì lãi suất huy động ngoại tệ duy trì ở mức 0% khiến người dân ít gửi USD nên ngân hàng có nhu cầu phải vay USD với lãi suất cao hoặc vay từ nước ngoài.
Tại một số ngân hàng như LienVietPostBank đến cuối quý I/2018, cho vay tăng mạnh đến 17,08% so với đầu năm; Vietcombank cho vay bằng VND chỉ tăng 5,3% so với đầu năm nhưng cho vay USD và các ngoại tệ khác tăng 11,5% so với đầu năm. Tương tự, tại ACB, tiền gửi bằng USD giảm 8,99%, còn cho vay tăng 8,19% so với đầu năm, đạt 9.570 tỷ đồng. Một số ngân hàng cũng có tỷ lệ tăng trưởng cho vay ngoại tệ trên 10% như MB huy động bằng USD giảm 6,1%, cho vay bằng USD và các ngoại tệ khác tăng 11,9% so với cùng kỳ, đạt 24.056 tỷ đồng.

Giải thích về điều này, theo chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), huy động ngoại tệ giảm xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là lãi suất huy động ngoại tệ hiện vẫn bị áp mức trần 0%. Trong khi đó, nhu cầu vay ngoại tệ có xu hướng tăng lên. NHNN mới đây đã ra văn bản kiểm soát chặt cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo hướng chỉ tập trung cho vay đối với DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên và chỉ những DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ mới được vay.

Đánh giá được đưa ra từ Nhóm nghiên cứu UBGSTCQG cũng cho rằng, thanh khoản ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định. Nếu ước tính theo con số tỷ trọng của UBGSTCQG, thì tiền gửi ngoại tệ vào cuối năm 2017 cao hơn dư nợ ngoại tệ gần 150.000 tỷ đồng nhưng đến nay mức chênh lệch này đã giảm về chỉ còn một nửa. Trong những năm trước đây, lực cầu USD lớn vào cuối năm cũng là một trong những yếu tố chính gây sức ép lên tỷ giá.
 Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank 
Nên có kịch bản phòng ngừa rủi ro

Về phía các DN, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lãi suất USD trên thị trường quốc tế đang tăng cộng thêm áp lực tăng tỷ giá sẽ ảnh hưởng nhất định đến DN vay ngoại tệ. Lúc này, đứng trước những biến động về mặt tỷ giá và lãi suất, các DN phải vay ngoại tệ sẽ gặp rủi ro vì lãi suất và tỷ giá cao. “Khoảng cách giữa lãi vay USD và VND sẽ ngày càng thu hẹp do lãi suất cho vay bằng ngoại tệ đang có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân do chính sách tăng lãi suất của Mỹ và động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều nước trên thế giới” - chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến nghị, trong trường hợp lãi suất đồng USD tăng, tỷ giá cũng tăng thì DN cần phải có kế hoạch để tính toán khi tất toán khoản vay cần phải bù trừ cho ngân hàng. DN cần chủ động mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm, phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lãi suất để tránh những cú sốc khi thị trường có biến động tiêu cực, đồng thời giúp hoạt động kinh doanh của DN ổn định, hiệu quả.

Với DN xuất khẩu lớn, trên cơ sở có nguồn thu USD, rủi ro sẽ giảm vì không phải mua USD trả ngân hàng. Còn DN xuất khẩu nhỏ phải luôn có bảng tính về tỷ giá lúc vay và phải cập nhật tỷ giá hàng ngày do ngân hàng cung cấp để lường trước, sẽ chịu rủi ro tỷ giá ở mức độ nào trước khi quyết định vay. Riêng các DN nhập khẩu nên mua USD kỳ hạn trước, để đến cuối năm tỷ giá tăng, ngân hàng vẫn giữ giá bán đã chốt trước, DN không phải chịu lỗ khi mua USD trả nợ vay.