Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ giá có thể trở thành bài toán phức tạp

TS. Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các năm gần đây, nhờ có thặng dư cán cân thương mại và cán cân vãng lai tổng thể hàng năm nên cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế nước ta tương đối ổn định.

Nhưng từ tháng 5/2019, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung leo thang nên cấp độ mới đè nặng tâm lý lên tỷ giá USD/VND. Việc điều hành tỷ giá trong những tháng cuối năm 2019 có thể chuyển sang bài toán phức tạp hơn .
Ngày 4/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo WB, nền kinh tế thế giới chỉ có thể đạt được tăng trưởng 2,6% trong năm nay, giảm 0,3% so với 2,9% như dự báo đầu năm và giảm 0,4% so với mức tăng trưởng 3% đạt được trong năm 2018.
Tỷ giá ngoại tệ trong thời gian vừa qua có nhiều biến động do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Phạm Hùng
Hệ quả trực tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là tác động làm suy giảm xuất nhập khẩu, rồi đến đầu tư toàn cầu. Đến lượt nó, sẽ tác động xói mòn sự an toàn của hệ thống tài chính và chính sách tiền tệ quốc gia.
Tại Việt Nam, trong các năm gần đây nhờ có thặng dư cán cân thương mại và cán cân vãng lai tổng thể hàng năm nên cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế tương đối ổn định. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khá chủ động trong điều hành tỷ giá. Dĩ nhiên, do tính mùa vụ của nhu cầu ngoại tệ trong nền kinh tế nên vào từng thời điểm cụ thể trong năm việc xuất hiện biến động tỷ giá mạnh hơn là câu chuyện bình thường.

Các chuyên gia kinh tế thế giới đều nhận định triển vọng kinh tế thế giới sẽ xấu thêm nếu cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung tiếp tục leo thang. Tăng trưởng của các nền kinh tế sẽ giảm tốc do tổng cầu giảm bởi tâm lý bất an của giới DN và người tiêu dùng.

Nhưng từ tháng 5/2019 cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang lên cấp độ mới đã có dấu hiệu cho thấy khả năng bùng nổ một cuộc chiến tiền tệ đang tiềm ẩn. Cuộc chiến này thực ra đang là dự báo nhưng áp lực tâm lý lên tỷ giá USD/VND là đã hiện hữu. Bằng chứng tỷ giá Trung tâm do NHNN công bố đã bị phá đỉnh nhiều lần tính từ đầu tháng 5/2019 đến nay. Sau 6 tháng đầu năm tỷ giá giao dịch USD/VND tăng khoảng 1,0 - 1,1% thì riêng tháng 5 tỷ giá tăng 0,4 - 0,45%. Cho nên việc điều hành tỷ giá trong những tháng cuối năm 2019 có thể chuyển sang bài toán phức tạp hơn đối với NHNN.
Cán cân thương mại gặp khó trong cải thiện
Thứ nhất, nếu Việt Nam không tận dụng được cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ do tăng được cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường này thì hệ quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể làm cho cán cân thương mại đảo chiều từ đang có xuất siêu sang nhập siêu. Bởi vì để chống đỡ suy giảm xuất khẩu vào Mỹ, Trung Quốc chắc có nhiều bài tính khác nhau. Trong đó phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) ở mức độ an toàn là bài tính bắt buộc mà họ đã thực hiện khi cuộc chiến thương mại mới giai đoạn khởi phát vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2018.
Năm 2018, đồng CNY đã giảm giá 8% so với USD. Chỉ trong tháng 5/2019, CNY mất giá so với USD là 2,66%. Do tốc độ mất giá của CNY lớn hơn tốc độ mất giá của VND đã làm cho giá hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam đang rất rẻ. Chính vì vậy xu hướng nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam tăng khá mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê tính, đến tháng 5/2019 nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam là 16,2 tỷ USD, bằng 67,8% mức nhập siêu năm 2018. Việt Nam gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc không chỉ do sức ép đồng CNY phá giá mà còn do gian lận thương mại. Một số DN Trung Quốc cấu kết với DN Việt Nam bán hàng Trung Quốc dán nhãn mác Việt Nam.
Thứ hai, về lý thuyết, việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giá cả tiêu dùng nên DN và người dân Mỹ sẽ lựa chọn thị trường nhập khẩu thay thế có giá rẻ hơn, trong đó có thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cửa tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ thay thế hàng Trung Quốc của Việt Nam giờ đây đã bị chặn hẹp lại trong thực tiễn. Theo công bố của Bộ Tài chính Mỹ ngày 29/5/2019, hiện có 9 nước nằm trong danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ, trong đó có Việt Nam. Thuật ngữ “thao túng tiền tệ” ở đây hiểu một cách ngắn gọn là việc NHTW (NHNN) bằng cách can thiệp vào tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu gây bất công bằng cho thương mại song phương và công ăn việc làm của Mỹ.
Có 3 tiêu chí làm “ngưỡng” để Mỹ phán xét một quốc gia được gọi là thao túng tiền tệ: thặng dư thương mại với Mỹ đạt trên 20 tỷ USD; thặng dư cán cân thanh toán trên 2% GDP; khối lượng mua ngoại tệ ròng từ 6/12 tháng trên 2% GDP. Năm 2018, Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ khoảng 35 tỷ USD, tức gấp gần 2 lần so với ngưỡng đánh giá. Với con số này chắc chắn Tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng. Vì vậy, Mỹ đang muốn cùng Việt Nam sẽ có những thỏa thuận cải thiện bất công bằng về cán cân thương mại song phương. Điều này cho thấy Việt Nam muốn tận dụng được cơ hội gia tăng thị trường xuất khẩu vào Mỹ trước hết phải tăng mạnh kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Các tác động nội tại bất lợi
Thứ nhất, do tình trạng đô la hóa kéo dài và thường xuyên bị đe dọa bởi lạm phát nên nhìn chung tâm lý các DN, nhà đầu tư, đầu cơ trên thị trường nước ta đặc biệt nhạy cảm về lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Tỷ giá tâm lý là loại tỷ giá vô thực nhưng luôn là ngòi nổ, chạy trước, đè nặng lên tỷ giá thực, từ đó hình thành nên một thứ tỷ giá buộc thị trường chấp nhận gọi là tỷ giá giao dịch thị trường.
Từ mấy năm nay NHNN đã triển khai nhiều quyết sách để hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế được cho là khả thi. Tuy vậy, để hạn chế sự lũng đoạn của tỷ giá tâm lý, bên cạnh việc quyết liệt chống đô la hóa rất cần các thông điệp minh bạch và kịp thời của cơ quan quản lý ngoại tệ/ngoại hối cung cấp cho thị trường. Lòng tin thị trường vào khả năng quản lý tỷ giá của NHNN là dấu hiệu duy trì sự ổn định hay sẽ bùng nổ biến động của tỷ giá thị trường.
Thứ hai, hiện chưa có một báo cáo nào của cơ quan chức năng về số liệu đào hối bất hợp pháp, song thực tế có một số lượng ngoại tệ nhiều tỷ USD đang bị ngầm tẩu tán khỏi thị trường trong nước. Đây là số lượng ngoại tệ thực chất phải giảm trừ trên cán cân vãng lai tổng thể nhưng không được phản ánh, nên số liệu cán cân vãng lai phục vụ tính toán trong điều hành tỷ giá của NHNN là chưa chính xác.
Trong phạm vi theo dõi giao dịch trong nước, theo Cục chống rửa tiền thuộc NHNN số lượng báo cáo về giao dịch đáng ngờ khá lớn và ngày càng tăng, trong năm 2012 - 2017 có đến 7.285 báo cáo giao dịch đáng ngờ thuộc nhiều lĩnh vực như đánh bạc, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, thu đổi ngoại tệ,…
Nên can thiệp tỷ giá bằng cách nào?
Có thể bằng nhiều cách để NHNN can thiệp nhằm ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, ở góc độ trực tiếp hay gián tiếp có 3 cách can thiệp là cách can thiệp trực tiếp, cách can thiệp gián tiếp và cách can thiệp kết hợp giữa 2 cách đó.
Với cách can thiệp trực tiếp, NHNN chỉ bán ngoại tệ dự trữ cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) để tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Cách này chỉ phù hợp khi mức độ ngoại tệ can thiệp không lớn và thời gian không kéo dài mang tính liên tục. Nếu phải bán nhiều tỷ USD can thiệp vào tỷ giá liên tục, lâu dài sẽ thâm hụt dự trữ ngoại hối trầm trọng là không nên. Nên nhớ, mức dự trữ ngoại hối thực tế là thước đo sức mạnh tiền tệ của quốc gia.
Với cách can thiệp gián tiếp, NHNN không bơm ngoại tệ cho NHTM mà phải điều chỉnh biên độ cho phép so với tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày một cách linh hoạt. Biên độ này hiện là ± 3%, có thể nới rộng từ 3 – 5% trong điều kiện xuất hiện cú sốc về tỷ giá tâm lý.
Với cách can thiệp kết hợp, NHNN có thể sử dụng để làm dịu bớt khả năng vượt trần biên độ liên tục của tỷ giá giao dịch. Khi biên độ này ổn định trở lại, NHNN quay về thực hiện biện pháp can thiệp gián tiếp.