Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam tăng lên 2,6%

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) tăng lên 2,6% vào năm 2019, chủ yếu ở các TP lớn, trong nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ.

Ngày 1/7, Bộ Y tế tổ chức tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về TLĐT, thuốc lá nung nóng.
Tác hại của thuốc lá thế hệ mới và những hệ lụy
Từ năm 2000 đến nay, sản phẩm thuốc lá nung nóng và điện tử được đưa vào thị trường và được công ty quảng cáo là giảm hại, giúp cai nghiện. Nhưng thực tế WHO chỉ ra rằng, trên thế giới chưa có bằng chứng cho thấy TLĐT giúp cai thuốc, ngược lại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn có hại như thuốc lá điếu thông thường.
 Ths Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế thông tin tại hội nghị.
Nhấn mạnh về tác hại của thuốc lá thế hệ mới và hệ lụy đối với thanh thiếu niên, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ WHO tại Việt Nam thông tin, hiện nay, thành phần của dung dịch điện tử có đến hơn 15.000 loại hương vị khác nhau gồm: Nicotine, Propylene Glycol, Glycerin thực vật (chất gây ung thư khi được đun nóng), nước, chất tạo mùi. Chất gây ô nhiễm trong dung dịch điện tử như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, chất tạo mùi - Diacetyl, Acetyl propỉonyl và kim loại chì, bạc, Cadmium, Chromium, thủy ngân, Nickel,... Ngoài ra, còn nhiều chất độc khác được tìm thấy trong TLĐT.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, TLĐT có tác hại với sức khỏe con người, chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe với cả người dùng và người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Đáng chú ý, sử dụng TLĐT còn gây hội chứng tổn thương hô hấp cấp, tử vong. Bên cạnh đó, những người tiếp xúc lâu với TLĐT sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác. Sử dụng TLĐT không chỉ làm tăng nguy cơ pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử, gây chấn thương do cháy nổ mà còn làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm TLĐT và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên.
“Nghiên cứu cho thấy, người trẻ tuổi đã thử sử dụng TLĐT thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng TLĐT. Năm 2019, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã nêu, TLĐT rất phổ biến trong giới trẻ, một phần do các đặc điểm thiết kế hấp dẫn, ví dụ như hình dạng USB, có nồng độ nicotine cao và khói gần như không nhìn thấy”- bác sĩ Lâm dẫn chứng.
 Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ WHO tại Việt Nam chia sẻ về tác hại của thuốc lá thế hệ mới và hệ lụy đối với thanh thiếu niên.
Tại sao ngành công nghiệp thuốc lá lại nhắm đến giới trẻ?
Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng các cách thức quảng cáo, tiếp cận nhắm vào giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới.
Lý giải về điều này, Ths Lê Thị Thu — Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ nhằm tìm kiếm những người hút thuốc thay thế. Một mặt, do thuốc lá gây bệnh tật và tử vong ở 50% số người hút thuốc lá trưởng thành. Mặt khác, ngành công nghiệp thuốc lá muốn duy trì sản lượng thuốc lá và tăng trưởng lợi nhuận khi chính phủ các nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá.
Trong khi đó, có gần 70% số người thử một điếu thuốc trở thành người hút thuốc hàng ngày do nicotin - chất gây nghiện có trong thuốc lá. Ngoài ra, người trẻ tuổi (14-30 tuổi) đã sử dụng TLĐT thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng TLĐT.
Tại Việt Nam, năm 2015, tỷ lệ người đã từng sử dụng TLĐT là 1,1% và 0,2% hiện đang sử dụng. Trong một kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sử dụng TLĐT độ tuổi 13-17 là 2,6%. Thực tế cho thấy, sử dụng TLĐT ở Việt Nam có xu hướng gia tăng ở các TP lớn, trong nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ.
Theo Ths Lê Thị Thu, hiện nay, tỷ lệ người đang sử dụng TLĐT ở Việt Nam còn chưa cao nhưng với xu hướng gia tăng sử dụng ở Việt Nam và trên các nước, đặc biệt tăng tỷ lệ sử dụng trong thanh thiếu niên như Mỹ, Romania, Ý... cho thấy, Việt Nam cần khung pháp lý nhằm kiểm soát các sản phẩm này. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần kiểm soát các hoạt động quảng cáo, buôn bán các sản phẩm này khi các sản phẩm này chưa được được phép lưu hành trên thị trường.
 Ths Lê Thị Thu — Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ nhằm tìm kiếm những người hút thuốc thay thế.
Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. “Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện. Thế giới đã mất nhiều thập kỷ chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường, tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi. Vì vậy, nếu cho phép các sản phẩm mới này thì Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn”- đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá bày tỏ.
Tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn cao
Chia sẻ về kinh nghiệm của một số nước khu vực ASEAN trong quản lý thuốc lá thế hệ mới, Ths Đoàn Thu Huyền — Trưởng Đại diện Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc tại Việt Nam cho rằng, bằng chứng từ các cơ quan quản lý y tế hàng đầu và kinh nghiệm ở các quốc gia khác (đặc biệt là Thái Lan, Campuchia, Singapore, Brunei, Argentina) cho thấy, việc cho phép bán dù là TLĐT hay thuốc lá làm nóng, thậm chí được quản lý chặt chẽ, sẽ đều mang lại tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.
Qua đó, Ths Đoàn Thu Huyền khuyến cáo, Việt Nam cần có quy định cấm mọi loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Bởi hiện tại, chưa có thị trường TLĐT tại Việt Nam, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua internet. Đáng chú ý, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới Việt Nam vẫn còn cao. Điều này cho thấy, Việt Nam cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO.
 Quang cảnh hội nghị.
Ths Đoàn Thu Huyền cũng cho rằng, việc cho phép TLĐT và thuốc lá làm nóng lưu hành trong thị trường là không phù hợp với các nguyên tắc phòng chống tác hại thuốc lá đã được quy định trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. ““Lợi ích” duy nhất để cho phép lưu TLĐT và thuổc lá làm nóng ở Việt Nam là tăng lợi nhuận cho các công ty TLĐT và thuốc lá làm nóng nhưng phải trả giá bằng chính sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nếu lý do chính là tăng nguồn thu thì tăng thuế các sản phẩm thuốc lá sẽ là cách làm hiệu quả nhất, đạt được cả hai mục tiêu là giảm tỷ lệ hút thuốc và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt”-Ths Huyền nêu rõ.
Việt Nam cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức
Theo Ths Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường. Bản chất sản phẩm này vẫn là cung cấp chất gây nghiện nicotine.
Thực tế, các tác động có hại đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội do sử dụng các loại sản phẩm TLĐT, thuốc lá làm nóng gây ra không thấp hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Điều đáng nói, TLĐT và thuốc lá làm nóng ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ, nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
“Do đó, Việt Nam cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (TLĐT, thuốc lá làm nóng, shisha)”- Ths Trần Thị Trang nhấn mạnh.

Các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá:

Tại Khoản 3, Điều 4 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nêu rõ: “Hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá”.

Mục tiêu chung Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020: “Giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra”.

Việc cho phép lưu hành TLĐT và thuốc lá nung nóng không chỉ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mà còn thúc đẩy cả người không hút thuốc lá và người đang sử dụng thuốc lá điếu sử dụng TLĐT.

Đặc biệt, việc cho phép lưu hành thuốc lá còn làm cho cả người đang hút thuốc lá điếu thông thường và người không hút thuốc lá sau khi sử dụng TLĐT vẫn tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường hoặc hút song song cả hai loại sản phẩm.

Ngoài ra, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện. Thế giới đã mất nhiều thập kỷ chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường, tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi. Vì vậy, nếu cho phép các sản phẩm mới này thì Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn.