Ốc hương (Babylonia areolata) ốc xoắn, vỏ màu vàng điểm các chấm nâu, thân mềm thuộc họ Babyloniidae sống tại đáy cát bùn cát vùng biển nhiệt đới, phân bố chủ yếu ở biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, độ sâu từ 5 – 20 m.
Loài nhuyễn thể thân bụng này được gọi tên theo mùi, vì ngay cả khi tươi sống nó cũng tỏa hương thơm, đặc biệt hương vị hấp dẫn khi được nấu chín. Ốc hương chỉ cần luộc không cần thêm gia vị nhưng mùi ốc hương lại bốc thơm như lá dứa, ngát như hoa ngâu, gay gay như riềng. Thịt ốc hương giòn ngọt, lúc nào cũng tươi, dai, không bở. Ốc hương rất bổ dưỡng cho sức khỏe con người, thịt ốc có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Sau nhiều năm nuôi tôm công nghệ cao, anh Đinh Vũ Hải (49 tuổi, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) đã chuyển dần diện tích sang nuôi ốc hương thương phẩm. Đây là mô hình sản xuất đầu tiên ở vùng ven biển Bạc Liêu, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bỏ tôm ôm ốc
Quê Phú Yên, tốt nghiệp Kỹ sư Đại học Thủy sản Nha Trang, nên trong người anh Hải đã có sẵn “máu làm giàu” từ nghề nuôi trồng thủy sản. Năm 2000, anh đưa gia đình về vùng ven biển Sóc Trăng thuê đất nuôi tôm. Sau 7 năm, anh tiếp tục thuê đất nuôi tôm công nghệ cao ở ven biển Bạc Liêu. Cho đến nay, quy mô nuôi tôm đã lên đến 40 ha.
Mấy năm gần đây ô nhiễm nặng nề, tôm bị dịch bệnh. Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng mạnh. Đã vậy, giá tôm thương phẩm lại sụt giảm, thay đổi thất thường.
Vì thế, nuôi tôm đạt sản lượng cao, nhưng sau khi trừ các khoản chi phí vẫn thua lỗ, nên anh quyết định tạm ngưng nuôi tôm.
Vẫn “máu làm giàu” từ nuôi thủy sản, đầu năm 2022, anh Hải lại khăn gói tìm về bạn bè ở quê để tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc hương thương phẩm.
Giữa năm 2022, tận dụng 4 ao nuôi tôm với tổng diện tích 6.000 m2 để cải tạo chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm.
Vụ nuôi đầu tiên thành công, anh thu hoạch được trên 20 tấn ốc. Sau khi trừ các khoản chi phí, với 4 ao nuôi ốc hương, anh có lợi nhuận 1 tỉ đồng.
Nuôi sinh thái, lợi nhuận cao, an sinh tốt
Do đặc tỉnh, loài ốc hương rất “đỏng đảnh” khó nuôi. Quan trọng nhất không phải là độ mặn của nước biển, mà chính là cát và nước biển phải sạch, nguồn thức ăn an toàn và giống tốt.
Vì thế, từ đầu anh Hải đã mạnh dạn đầu tư hệ thống lắng lọc. Nước từ biển đưa vào phải qua hệ thống lắng, lọc cẩn thận. Cát biển được lọc rửa thật sạch mới đưa con giống vào nuôi. Hệ thống nước tuần hoàn khép kín đã tiết kiệm rất nhiều chi phí, nhưng đảm bảo ốc hương không bệnh.
Đặc biệt trong suốt quá trình nuôi ốc đến khi xuất bán, anh Hải nuôi bằng công nghệ vi sinh. Chỉ sử dụng men vi sinh để xử lý nước và trộn thức ăn. Do đó ốc thương phẩm đảm bảo sạch, không nhiễm kháng sinh, hóa chất được người tiêu dùng yêu thích.
Bí quyết của anh Hải đó chính là nguồn thức ăn cho ốc. Nhân viên của anh thu gom cá cá tạp, tôm, ghẹ của các ghe tàu vừa đánh bắt từ khơi về. Sau khi xử lý sạch, băm nhỏ rồi cho ốc ăn. Vì vậy đã tiết kiệm chi phí lớn, nhưng ốc lại được sống trong môi trường giống với tự nhiên, nên luôn có chất lượng cao.
Năm 2023 “thừa thắng xông lên”, anh Hải quyết định mở rộng quy mô hơn 20 ao nuôi ốc hương. Mỗi ao 1.000 m2, thả nuôi 500.000 con giống với mật độ 500 con/m2.
Sau 12 tháng thả ốc nuôi, thu hoạch theo hình thức lựa chọn những con ốc lớn trước, tính đến vụ tết này anh thu được gần 100 tấn ốc thương phẩm.
Hiện 40 công nhân của anh thu nhập ổn định từ 8.500.000 – 12.500.000đ/tháng, có thời điểm lên đến hơn 80 công nhân. “Khi ổn định được các khâu, anh sẽ mở rộng sản xuất nuôi loài đặc sản biển này vì có giá trị kinh tế cao. Nếu bà con có nhu cầu nuôi, anh sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, đầu ra, nguồn giống… để tăng thêm thu nhập cho công nhân và tăng sử dụng thêm lao động tại chỗ, góp phần vào an sinh việc làm của địa phương” – anh Hải nói.
Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Lê Việt Xô, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết: “Mô hình nuôi ốc hương thương phẩm của anh Đinh Vũ Hải đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế thiết thực cho người nuôi, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân. Thành phố đang khuyến khích người dân ven biển nhân rộng mô hình này, mục đích nhằm đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi trồng thủy sản nước mặn. Mô hình này vừa giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận trong điều kiện mô hình nuôi tôm còn nhiều khó khăn hiện nay.”