Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ phú vườn ở Kiêu Kỵ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đang sở hữu gần 9ha vườn cây ăn quả, trong đó có trên 40% diện tích đang cho thu hoạch với mức thu nhập trên 2 tỷ đồng mỗi năm,ông Trần Văn Bình, thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ được mệnh danh là “tỷ phú vườn” ở huyện Gia Lâm.

Thầy giáo… làm vườn

Năm 1975 xuất ngũ về địa phương, ông Bình thi đỗ vào Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Ra trường, ông xin về dạy học tại trường THPT Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Công tác tại địa bàn có truyền thống làm vườn không chỉ giúp ông có kiến thức thực tế để các tiết dạy Địa lý, hấp dẫn cuốn hút học sinh, đồng thời là cái nôi để ông học hỏi và tích lũy kinh nghiệm làm vườn.
Ông Bình treo đèn sinh học dụ bắt côn trùng có hại trên cây cam Vinh.
Ông Bình treo đèn sinh học dụ bắt côn trùng có hại trên cây cam Vinh.
Năm 2008, thấy đất để hoang hóa, nhiều hộ cấy lúa, trồng màu cũng kém hiệu quả ông Bình bàn với vợ xin thuê 2 mẫu đất của các hộ trong thôn để trồng 1.200 gốc cam đường Canh và 500 gốc cam Vinh. Năm 2012, ông thuê thầu tiếp 9 mẫu đất để mở rộng mô hình vườn đồng. Đầu năm 2014, khi nghỉ hưu, cũng với hình thức thuê thầu, tổng diện tích vườn cây ăn quả của gia đình ông lên tới 23 mẫu.

Coi cây như bạn

Để có những trang trại vườn đẹp mắt đạt giá trị kinh tế cao như hiện nay là cả một quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Theo đó, hàng ngày ông Bình dành không ít thời gian để cập nhật kiến thức làm vườn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời học trực tiếp từ người làm vườn giỏi đi trước. Sau đó, ông tự mình áp dụng trên những khu vườn, coi cây như bạn, yêu cây như con để chăm bón kịp thời, phát hiện và xử lý các loại sâu bệnh và côn trùng có hại đúng lúc, đúng cách.

Vườn cây ăn quả của ông Bình chỉ dùng tro bếp và đỗ tương nghiền nhỏ thay phân bón. Gia đình sử dụng các loại thuốc trừ sâu vi sinh và các loại đèn sinh học để dụ bẫy côn trùng có hại. Khi cây ra quả, phun thuốc trừ sâu cách ly trước thu hoạch khoảng 2 tháng nên đảm bảo an toàn tuyệt đối với người sử dụng. Cũng vì cách làm an toàn này mà ông Bình không phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm, bởi các tiểu thương đến tận vườn mua hết. Trừ mọi chi phí, trung bình một năm, gia đình ông có thu nhập trên 2 tỷ đồng. Theo ông, khoản thu nhập này sẽ còn tăng nhiều khi 13 mẫu vườn trồng cam đầu năm 2014 cho thu hoạch vào các năm tới.

Để sản xuất an toàn, bền vững, đầu năm 2015, ông Bình đã vận động 38 hộ làm vườn vào tổ hợp tác nhằm hỗ trợ và nâng cao tính cộng đồng trách nhiệm trong phát triển sản xuất. Bước đầu, các thành viên đã đóng góp trên 100 triệu đồng làm đường giao thông nội đồng (gia đình ông Bình đóng góp 44 triệu đồng). Các hộ tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap trên toàn bộ diện tích của các thành viên, không để xảy ra tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, vỏ bao bì thuốc trừ sâu được để đúng nơi quy định góp phần làm sạch đồng ruộng.